Cụ thể, ở đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) năm học 2021-2022 ngày 4/6 có nội dung câu 1 nghị luận xã hội (4 điểm) như sau:

Trong cuốn sách “Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng”, Lu-Mannup đã chia sẻ: “Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.

Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.

{keywords}
Tranh cãi ở phần giả định của câu lệnh Câu 1 đề văn vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của Khánh Hòa năm học 2021-2022.

Đề thi này sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã tạo nên những tranh luận ở chính câu nghị luận xã hội (4 điểm).

Có ý kiến cho rằng là một đề thi xứng tầm với kỳ thi chọn học sinh vào lớp chuyên, nhưng nhiều người cho rằng giả định “nếu phải ở trong nước sôi” của câu lệnh định hướng vấn đề nghị luận là phản cảm. Thậm chí vấp phải những ý kiến phản đối.

Một thành viên trên mạng xã hội nêu quan điểm: “Tôi nghĩ không cần phải đưa câu giả định mà chỉ cần hỏi học sinh là nêu ý kiến/trình bày suy nghĩ/quan điểm của em về câu ngạn ngữ trên là được rồi”.

Một thành viên khác chia sẻ: “Nếu mà một khi đã bị bỏ vào nước sôi thì làm gì được lựa chọn nữa ạ”.

Thành viên Chu Thị Thu Lan bình luận: “Thật quá sức tưởng tượng với nội dung đề Văn thi vào lớp 10 như thế này.

Thành viên V.H bình luận: “Câu ngạn ngữ thì hay nhưng đề thi thì thật ngớ ngẩn”.

Trao đổi với VietNamNet, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nêu quan điểm: “Thật ra, ngay bản thân câu ngạn ngữ này, tôi thấy cũng không thực sự chia sẻ, vì “nước sôi” không phải lúc nào cũng là “hoàn cảnh” theo nghĩa ‘nghịch cảnh” như cách chúng ta đọc câu ngạn ngữ và ý kiến này đang nghĩ. 

“Nước sôi” là hoàn cảnh khắc nghiệt, đáng sợ với cô Cám bị chị Tấm thảo hiền cho tắm trắng, nhưng “nước sôi” lại là điều kiện lí tưởng cho một ấm trà để tỏa hương và trọn vị. Tất nhiên đó chỉ là quan niệm chủ quan, cá nhân, còn đây vẫn là câu ngạn ngữ quen thuộc mà nhiều người thường sử dụng”.

Song, cô Tuyết cho rằng câu lệnh này thì có vấn đề: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.

“Thông điệp đề bài định hướng cho học sinh là bàn luận về bản lĩnh nội tại trước nghịch cảnh cuộc sống. Vấn đề đặt ra tốt, hữu ích, nhất là trong cuộc sống thời hiện đại vốn luôn quá nhiều thử thách. Tuy nhiên, cách diễn đạt ý giả định trong câu lệnh “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” – không ai thấy thoải mái khi hình dung mình ở trong “nước sôi” và loay hoay chọn lựa cách làm “củ khoai tây hay quả trứng” – những liên tưởng va chạm với tầng nghĩa đen khiến bất kì ai cũng thấy không ổn. Riêng tôi, có liên tưởng tới cô Cám, sự liên tưởng làm tắt ngấm hứng thú bàn luận thông điệp”, cô Tuyết nói.

Theo cô Tuyết, sẽ giản dị và minh triết hơn nếu đề bài thay câu lệnh đó bằng câu lệnh sau: “Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về thông điệp em nhận được từ quan niệm trên”.

Một giáo viên dạy Văn ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Thật ra cách chọn ngữ liệu có vấn đề, vì giá trị của ngữ liệu lại nằm ở câu ngạn ngữ được trích chứ không phải ở lời bàn của Lu- Mannup. Thứ 2 là tính thẩm quyền của Lu- Mannup, đây là 1 tác giả mạng, chưa được đông đảo công nhận”.

Đồng quan điểm với cô Trịnh Thu Tuyết, cô giáo này cho rằng, câu lệnh có vấn đề. “Câu lệnh: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”, gồm 2 yêu cầu ko liên quan gì đến nhau. “Vấn đề” là vấn đề gì? Học sinh làm bài phải giải quyết bao nhiêu yêu cầu mới đảm bảo đây? Thêm nữa cách diễn đạt ý giả định “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” gây phản cảm, bởi chẳng ai lại tự nhiên đi tưởng tượng rằng mình trong nước sôi cả”, cô giáo này nói.

Thiên Thanh

Hà Nội lùi lịch thi, giảm thời gian làm bài vào lớp 10

Hà Nội lùi lịch thi, giảm thời gian làm bài vào lớp 10

UBND TP Hà Nội đồng ý điều chỉnh lịch thi, thời gian làm bài thi... tuyển sinh vào lớp 10 trong tình hình dịch Covid-19. 

Lịch thi vào lớp 10 của các tỉnh, thành năm học 2021-2022

Lịch thi vào lớp 10 của các tỉnh, thành năm học 2021-2022

Kể từ ngày 29/5, nhiều tỉnh, thành trên cả nước bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập và trường THPT chuyên. Nhiều địa phương cũng đã điều chỉnh lịch thi trước sự ảnh hưởng của Covid-19.

Đề thi môn Văn chuyên vào lớp 10 Phổ thông Năng khiếu

Đề thi môn Văn chuyên vào lớp 10 Phổ thông Năng khiếu

Sáng nay (27/5), thí sinh làm bài thi môn Văn chuyên vào lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sau đây là đề thi môn Văn chuyên.