Làng nghề tỷ phú đìu hiu chờ khách, nguy cơ bị xóa sổ

Với sự phát triển nóng của nghề thủ công mỹ nghệ, từ đầu những năm 2000, thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, nay là phường Đồng Kỵ được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của huyện Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.

Trong 3 năm từ 2000 - 2003, đã có gần 500 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ ra đời. Kéo theo đó, hàng trăm các tỷ phú, giám đốc cũng xuất hiện. Ở nơi đây, những năm này, chỉ cần bước ra đường là gặp giám đốc, gặp các tỷ phú.

Ở thời điểm hưng thịnh nhất, đi dọc các con đường vào làng, đâu đâi cũng thấy tiếng đục, đẽo, cưa xe gỗ. Thị trường xuất khẩu chính của các sản phẩm tại đây là Trung Quốc.

{keywords}
Khung cảnh đìu hiu của làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ (Ảnh: VTC News)

Thế nhưng, trong khoảng 5 năm trở lại đây, đến với Đồng Kỵ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì tình trạng vắng lặng của việc kinh doanh tại đây. Tình hình kinh doanh của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang rơi vào tình trạng thất thu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng sản xuất đều bị ứ đọng, ế ẩm.

Các cửa hàng đã đóng cửa hàng loạt, nhiều nhà xưởng không còn hoạt động. Nhà nào cũng chỉ sản xuất cầm chừng, có xưởng chỉ có 1-2 công nhân, có xưởng thì tạm ngưng hoạt động.

Nguyên nhân là do thị trường đóng băng. Các đối tác Trung Quốc tạm ngừng nhập sản phẩm nên hàng hóa ứ đọng, không xuất đi được, ứ đọng vốn. Thậm chí, không ít gia đình lâm vào trạng thái vỡ nợ, trắng tay, bị ngân hàng siết nợ. Cùng với đó, thanh niên và người dân Đồng Kỵ lâm vào cảnh thất nghiệp nhiều.

Chia sẻ với báo giới hồi tháng 9/2019, ông Dương Đức Sinh, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, hiện nay Đồng Kỵ chỉ còn khoảng gần 100 doanh nghiệp kinh doanh gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, do hàng hóa ế ẩm nên nhiều hộ gia đình lâm vào tình trạng phá sản. Hơn 40 % các hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ nghề truyền thống để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác để cầm cự, gồng gánh trả nợ ngân hàng.

Cảnh vắng hoe vắng hoắt tại ngôi làng tỷ phú giàu nhất Hà Tĩnh

Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vốn là những làng chài nghèo ven biển. Mấy năm gần đây, từ một làng quê nghèo khó, Cương Gián bỗng chốc trở thành ngôi làng tỷ phú. Nhiều gia đình đổi đời nhờ vào việc cho con em, người thân đi xuất khẩu lao động.

Việc đi lao động nước ngoài bắt đầu tại đây từ những năm 1990. Tuy nhiên, mấy năm gần đây thì phong trào này rầm rộ hơn, nhiều thanh niên bắt đầu đi lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia…

Ông Trần Đức Lâm (Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián) cho biết toàn xã có khoảng 15.000 dân nhưng chỉ khoảng 12.000 người sống ở địa phương, khoảng 2.700 người sinh sống, lao động tại nước ngoài. Số lao động này chỉ là thống kê chính thức, còn những người đi nước ngoài thông qua người thân dấn mối thì chưa tính toán được.

{keywords}
Một căn biệt thự "rỗng" không người sinh sống tại Cương Gián (Ảnh: Zing)

Đến Cương Gián hôm nay, có thể thấy, cả xã có hàng trăm biệt thự, nhà cao tầng, ô tô riêng trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều biệt thự, nhà cao tầng tiếp tục được xây mới.

Đường sá khang trang, sạch sẽ, những dãy nhà biệt thự cao tầng mọc lên san sát đều được xây dựng bằng tiền người đi xuất khẩu lao động gửi về.

Thế nhưng, trái với cảnh nguy nga, hoành tránh đó là khung cảnh ảm đạm của cuộc sống người dân nơi đây. Thanh niên phần đông đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa trên thành phố, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Thậm chí, có những gia đình có đến 2-3 người đi xuất khẩu lao động, có những nhà chỉ còn bố mẹ già và đàn cháu nhỏ chăm nhau qua ngày.

Chính vì vậy, đường xá tại Cương Gián thường vắng lặng, đìu hiu. Những ngôi biệt thự cao tầng xây hoành tráng nhưng không bóng người sinh sống, luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. "Về vật chất thì không thiếu thốn nhưng buồn vì các con đều đi xa cả", bà Nguyễn Thị Thừa, người đang trông 2 cháu nhỏ cho con trai đi xuất khẩu lao đông tại Hàn Quốc chia sẻ.

Xã nhà nhà sắm ô tô phóng chật đường làng bỗng chốc hoang tàn, tỷ phú thành "trắng tay"

Nâm N’giang là một xã trông nhiều hồ tiêu bậc nhất tại tỉnh Đắk Nông. 3 năm trước, đây là một điểm nóng về phát triển kinh tế khi giá hồ tiêu đột ngột tăng mạnh, lên mức 200.000 đồng/kg.

Việc hồ tiêu tăng giá đã khiến cho cuộc sống lam lũ, khốn khó của người dân vùng quê này được sang trang mới. Theo ước tính, cả xã có hàng trăm gia đình tậu ô tô, xây nhà sang, trở thành tỷ phú nhờ vào việc trồng hồ tiêu.

Cùng với đó, các dịch vụ vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều, trung tâm thương mại, khu buôn bán vô cùng sầm uất. Thời điểm này, người ta ví trung tâm xã Nâm N’giang giống một thị tứ cấp huyện.

Khi kinh tế dư giả, nhiều gia đình cho con đi học các trường ở thành phố lớn. Nhà nào cũng xây nhà lầu, mua ô tô và thường xuyên đi ăn uống quán xá.

{keywords}
Nợ nần quá nhiều và bị siết nhà, chủ nhà bỏ đi biệt xứ. (Ảnh: infonet)

Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, khung cảnh tấp nập, giàu sang, sung túc đó đã thay bằng một bức tranh vô cùng ảm đạm, não nề.

Từ mức đỉnh cao, hồ tiêu liên tục rớt giá, xuống dưới 50.000 đồng/lượng trước sự ngỡ ngàng của không ít người. Cảnh sầm uất mua bán, hàng quán, khu vui chơi giải trí cũng chỉ còn trong tiềm thức. Các kiot cửa đóng then cài, nhà hàng, quán cắt tóc, gội đầu đóng cửa, trả mặt bằng.

Trong khi đó, các tỷ phú nông dân giàu nên nhanh chóng nay bỗng chốc trở thành trắng tay. Nhiều nhà lầu, biệt thự treo biển bán mà chẳng ai buồn ngó ngàng. Nhiều người bị xiết nhà vì không còn khả năng trả nợ. Có những biệt thự tiền tỷ sắp hoàn thành phải ngừng lại, gia chủ cũng bỏ đi luôn.

Từ một xã giàu nhất tỉnh Đắk Nông, hiện nay, ở Nâm N’giang, tỷ lệ hộ nghèo vẫn khá cao. Ông Nguyễn Minh Sang, Bí thư xã Nâm N’giang cho hay, cách đây 2 năm, khi tiêu đang lên giá, thống kê trong toàn xã Nâm N’giang có tới hơn 300 chiếc ô tô, đến nay chỉ còn khoảng 120 chiếc. Hiện khoảng 70% thanh niên trong xã đến độ tuổi lao động đã đi kiếm việc làm ở các thành phố lớn.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)