Chiều 6/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị hợp tác ngành bán dẫn Việt Nam – Hàn Quốc 2024.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam hiện nay có hơn 40 công ty thiết kế chip, 15 công ty tham gia khâu đóng gói, kiểm thử (ATP) và sản xuất các thiết bị bán dẫn khác. Trong số này, các doanh nghiệp lớn nhất, trừ Intel, đều đến từ Hàn Quốc là Samsung, Hana Micron, và Amkor. 

image 123650291 1 2014.jpg
Đại sứ Hàn Quốc, Choi Young Sam, phát biểu mở đầu Hội nghị hợp tác bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc 2024. Ảnh: Phạm Vũ Thiều Quang

Các trung tâm bán dẫn đang dịch chuyển

Phát biểu tại hội nghị, ông Kim Chang Wook, Giám đốc Điều hành Chương trình Bán dẫn của Boston Consulting Group (BCG) Hàn Quốc cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phát triển theo xu hướng “hình cánh bướm”, với Đạo luật CHIPS của Mỹ và cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu sau dịch Covid-19.

Điều này đang tạo động lực cho cả các quốc gia đi trước như Hàn Quốc và đi sau như Việt Nam tham gia, đặc biệt với rào cản gia nhập ngành ngày càng thấp trong các công đoạn ở cuối chuỗi giá trị. Với sự phát triển của công nghệ tự động hóa, chi phí sản xuất đã giảm đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành. 

Trong khi đó, chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn đang trong quá trình tái cơ cấu sâu sắc, không còn phụ thuộc vào các cụm bán dẫn trên khắp thế giới, với từng công đoạn được phân bổ cho một quốc gia hay khu vực dựa trên chuyên môn. Mô hình điển hình là một con chip sẽ trải qua quá trình từ nghiên cứu cơ bản tại châu Âu, thiết kế tại Mỹ, sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) và cuối cùng là đóng gói, kiểm thử tại Đông Nam Á.

Ông Kim dự đoán, chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ không còn nhìn như vậy trong những năm tới. Thay vào đó, thế giới sẽ chứng kiến sự hình thành của các chuỗi giá trị khu vực, tập trung vào các quốc gia có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Minh chứng rõ nhất cho xu hướng này là chiến lược bản địa hóa ngành bán dẫn của Mỹ, với sự phân công lao động rõ ràng giữa Mỹ, Mexico và Canada. Trong đó, Mỹ sẽ giữ vai trò trung tâm thiết kế và phát triển, Mexico sẽ tập trung vào đóng gói và kiểm thử, còn Canada sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu và hỗ trợ nghiên cứu.

Nguyên nhân chính thúc đẩy xu hướng này là căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi chuỗi cung ứng sang các quốc gia đồng minh.

Xu hướng này còn được gọi là "friendshoring", và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Với lợi thế về chi phí lao động, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự ổn định về chính trị, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm sản xuất và lắp ráp chip quan trọng trong khu vực.

image_123650291_1920x1440.jpg
Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Phạm Vũ Thiều Quang

Bối cảnh ngành bán dẫn mở đường cho Việt Nam

Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, ông Kim Chang Wook nhận định rằng, Việt Nam đang có cơ hội vàng để trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực. Nhờ các chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các công đoạn có cường độ lao động cao như đóng gói và kiểm thử (OSAT), khi các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro.

Để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tập trung vào hai hướng phát triển chính. Thứ nhất, khẳng định vị thế là một trung tâm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP) hàng đầu. Với lợi thế về chi phí lao động, cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý, Việt Nam đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn. Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế này.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lực thiết kế chip nội địa. Mặc dù đòi hỏi nguồn lực lớn và thời gian dài, nhưng việc tự chủ trong thiết kế chip sẽ giúp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Ông Kim nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang đứng trước một ngã ba đường đầy cơ hội và thách thức. Ngành bán dẫn là một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhân tài và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Đặc biệt khi các quốc gia đối thủ trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng đang tích cực phát triển ngành này. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển đúng đắn và sự đồng hành của cả chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm bán dẫn trong khu vực và trên thế giới.

bien lai rong vpb giam manh 2_1920x1281.jpg
Quang cảnh nhà máy Hana Micron Vina 2 tại Bắc Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: Facebook Hana Micron Vina

Những thử thách trước mắt

Hội nghị cũng có sự góp mặt của ông Chung Won Seok, Tổng giám đốc công ty TNHH Hana Micron Vina, đơn vị Việt Nam của tập đoàn Hana Micron từ Hàn Quốc. Với hơn 8 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam và đội ngũ hơn 2000 nhân viên tại hai nhà máy Bắc Ninh và Bắc Giang, Hana Micron đã khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đóng gói và kiểm thử chip.

Ông Chung Won Seok nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam, cần có những điều chỉnh chính sách phù hợp để thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa và thu hút đầu tư. Cụ thể, trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn để giữ chân các doanh nghiệp như Hana Micron và thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, ông Chung cũng chỉ ra một số khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, bất chấp những bước tiến mạnh mẽ và các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Về thủ tục hành chính, ông đề xuất Chính phủ cần tiếp tục đơn giản hóa các quy trình kiểm định để rút ngắn thời gian nhập khẩu máy móc thiết bị vào trong nước, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất. 

Ông Chung cũng nêu lên vấn đề về chất lượng, trình độ, và sự trung thành của người lao động. Dù lực lượng lao động của Việt Nam trẻ và năng động, với nhiều giấc mơ lớn, có nhiều tiềm năng để vươn lên trong ngành, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức trong khả năng giữ chân người lao động. Ông đề xuất tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà trường và chính phủ để xây dựng một chương trình đào tạo bài bản, giúp người lao động có được những kỹ năng cần thiết và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam cho biết, Hội nghị hợp tác ngành bán dẫn Việt Nam – Hàn Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm thể hiện tính bền vững của hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Đại sứ khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực, bao gồm thương mại và đầu tư. 

Với những thành tựu đạt được từ các cuộc hội đàm cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng Bảy vừa qua, Đại sứ hy vọng hội nghị sẽ góp phần cho việc phát triển kế hoạch hợp tác sâu rộng giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và ngành bán dẫn nói riêng.