- Từ đầu năm tới nay, đã có 36 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người bị xử lý hình sự - thống kê của Tổng thanh tra Chính phủ.

Chính phủ vừa hoàn thiện báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội, phục vụ cho công tác thẩm tra và chuẩn bị cho kỳ họp QH lần thứ sáu sắp tới. Bản báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ký.

Ngân hàng Nhà nước đã cách chức 2 cán bộ

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng và đạt hiệu quả nhất định.

Kết quả, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính.

{keywords}

 

“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và hành vi trực tiếp tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định.

Cũng từ đầu năm tới nay, đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với tổng giá trị 178 triệu đồng.

Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp (trong đó đa phần ở TP.HCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo. Đáng chú ý, rất ít nơi xác minh tính trung thực của các bản kê khai.

Hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng được tiến hành nghiêm túc. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thanh tra, kiểm toán, các cơ quan tuy đều phát hiện ra sai phạm nhưng vẫn ít chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự mà đa phần chỉ xử lý hành chính. Việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng từ cơ quan thanh tra, kiểm toán sang cơ quan điều tra còn bị kéo dài, nhất là những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành.

Số tiền tài sản kiến nghị thu hồi rất lớn nhưng chưa thu hồi được bao nhiêu. “Đặc biệt, rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng. Tình trạng này có nguyên nhân từ việc giải quyết đơn thư còn để kéo dài, và nhất là người dân có tâm lý sợ bị trả thù nên rất ngại tố cáo tham nhũng”, Chính phủ đánh giá.

Thống kê chung về việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cho thấy toàn ngành đã phát hiện 73 vụ và 80 đối tượng tham nhũng. Nhiều cơ quan tập trung phát hiện và xử lý tham nhũng điển hình như Ngân hàng Nhà nước VN (phát hiện 21 vụ việc, xử lý 30 cán bộ, trong đó cách chức 2 người và bắt tạm giam 14 người, còn lại là sa thải, chuyển việc). Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Phước… cũng được cho là xử lý mạnh tay với các hành vi tham nhũng.

Xử nghiêm hành vi nhũng nhiễu, vô cảm

Ngoài những kết quả nêu trên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhận định nhiều hạn chế trong công tác đấu tranh với “giặc nội xâm”, đặc biệt là tình trạng chậm xử lý án tham nhũng, dây dưa kéo dài.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dây dưa được cho là bởi vì hầu hết án tham nhũng đều là vụ án lớn, hành vi tội phạm phức tạp, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Xong công tác giám định về kinh tế, đất đai hiện nay lại rất phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian.

“Đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội lại tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi nên việc phát hiện, truy tố gặp khó khăn. Quá trình điều tra các vụ án tham nhũng đều phải gia hạn thời gian, nhiều vụ án phải gia hạn tới ba lần”, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận.

Trong quá trình điều tra, nhiều vụ án phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nguyên do là việc đánh giá mới chỉ thông qua tài liệu ban đầu, nhưng trong các khâu điều tra tiếp sau lại cho thấy hành vi của bị can không đúng như tội danh khởi tố.

Việc tự phát hiện tham nhũng rất yếu, đa phần do báo chí và dư luận xã hội. Trong khi đó, việc xử lý hành vi tham nhũng còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ.

“Để xảy ra tình trạng trên một phần do người đứng đầu chưa quyết liệt, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn bị buông lỏng… Kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc thậm chí làm chiếu lệ”, bản báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng cho rằng những hạn chế, tồn tại nói trên cần phải được nghiêm khắc rút kinh nghiệm, bảo đảm việc xét xử không chỉ để trừng trị, răn đe mà còn để đáp ứng yêu cầu chính trị, nhất là trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay.

Các giải pháp được đề ra trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, như xây dựng các đề án về kiểm soát kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập người có chức quyền, tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Với đội ngũ cán bộ, công chức, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vô cảm, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, thu hồi triệt để tài sản thất thoát. Đặc biệt là phải giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Chính phủ cũng đề nghị QH xem xét sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng làm rõ hơn hành vi tham nhũng, sửa đổi quy định về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án có tình tiết phức tạp. Đồng thời, các cơ quan Tòa án Viện kiểm sát phải thống nhất xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo với tội tham nhũng.

Bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng nói trên sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình bày trong phiên họp Ủy ban Thường vụ QH tuần tới. Ủy ban Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra.

L. Nhung