Tình trạng nợ đọng BHXH ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, công tác chi trả cho người lao động. Vì vậy, cần tăng nặng mức xử phạt chậm đóng BHXH, đưa vào Bộ luật Hình sự các tội danh về trốn đóng BHXH…

Nợ BHXH lên đến 11.562 tỷ đồng

Ngày 15/10, tại hội thảo “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT đang gia tăng đến mức báo động. Năm 1997, nợ chậm đóng BHXH là 307 tỷ đồng, thì năm 2007 nợ là 1.734 tỷ đồng và tính đến hết tháng 8/2014 số nợ lên đến 11.562 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, từ năm 2010 - 2013 đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với số nợ là 1.788 tỷ đồng; Tổng số tiền thu được khoảng 736 tỷ đồng, trong đó thu được 266 tỷ đồng qua hòa giải, 470 tỷ đồng thu qua xét xử.

{keywords}

Đáng lo ngại, trong đó 11.562 tỷ đồng nợ BHXH, số tiền nợ của các đơn vị còn hoạt động là 8.670 tỷ đồng, số tiền nợ của đơn vị ngừng hoạt động là 705 tỷ đồng, số tiền ngân sách nợ là 1.955 tỷ đồng. Hiện có trên 8 nghìn đơn vị nợ BHXH đã ngừng hoạt động, trong đó, gần 7 nghìn đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH với số lao động lên đến 3 nghìn người. Với những đơn vị “mất tích” khi nợ đọng BHXH, theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH thừa nhận, “xác định không còn chủ nợ” để làm căn cứ giải quyết quyền lợi cho người lao động. 

Ông Trần Đình Liệu cũng cho biết, “lỗ hổng” trong chính sách, cơ chế như quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất liên ngân hàng đã vô tình khuyến khích doanh nghiệp cố tình nợ BHXH. Ngoài ra, nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước, do vậy việc chậm đóng, đóng thiếu và nợ BHXH thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, việc cơ quan BHXH không được quyền xử phạt cũng làm giảm hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thu, chi BHXH… 

Đưa vào luật hình sự

Giải quyết nợ đọng BHXH như thế nào là bài toán nan giải đặt ra từ nhiều năm nay. TS. Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nhiều ĐBQH tán thành việc giao chức năng thanh tra cho tổ chức BHXH vì cho rằng BHXH Việt Nam là cơ quan Nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính liên quan đến an sinh xã hội cùng hàng chục triệu người lao động, nên việc bổ sung chức năng thanh tra việc đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH.

Còn ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thì đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đối với trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Đồng thời, tăng lãi suất tiền chậm đóng BHXH gấp 2-3 lần so với lãi suất liên ngân hàng để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc trốn đóng BHXH, cần có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người đại diện pháp luật cũng như quy định về việc triệu tập, dẫn độ chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, để giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, cần có quy định bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện ký quỹ an toàn, để trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì sẽ lấy số tiền đó giải quyết quyền lợi cho NLĐ và các đối tác liên quan…

Cơ quan BHXH cũng kiến nghị với Chính phủ giao cho các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ văn bản quy định về quản lý và xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT nhằm giải quyết quyền lợi cho người lao động, giải quyết các khoản nợ của các đơn vị thuộc diện mất tích, giải thể, hoặc doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi…

(Theo GTVT)