Đây là thông tin được ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT chia sẻ tại chương trình phát sóng trực tiếp “Dân hỏi - Thành phố trả lời" vừa qua.
Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian qua trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin địa long (giun đất) có thể chữa Covid và một số người nổi tiếng đã quảng cáo chuyện này.
Hiện nay, Bộ Y tế chính thức thông báo là không có cơ sở khoa học nào chứng minh địa long chữa Covid-19. Do đó, những tài khoản, nhất là nghệ sĩ nổi tiếng tiếp tục quảng cáo, lan truyền thông tin này sẽ bị xử lý nghiêm.
Angela Phương Trinh đã bị chỉ trích dữ dội khi đăng tải thông tin chữa Covid-19 bằng địa long. (Ảnh: suckhoedoisong) |
“Chúng ta không nên tin tưởng các thông tin không kiểm chứng. Đặc biệt là thông tin sai sự thật bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe”, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nói.
Bộ Y tế khẳng định, đến nay, chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm nào có thành phần địa long để hỗ trợ, điều trị Covid-19. Bộ cũng chưa nhận được báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của địa long.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.
Giữa tháng 8, ca sĩ, diễn viên trẻ Angela Phương Trinh đã bị chỉ trích dữ dội khi đăng tải thông tin chữa Covid-19 bằng địa long.
Ngày 28/8, nghệ sĩ này tiếp tục có bài đăng chia sẻ địa long có thể chữa được nhiều loại bệnh từ nặng đến nhẹ và cả hình ảnh món ăn từ địa long.
Duy Vũ
Vì sao chúng ta thích bấm nút 'share' tin giả?
Một câu chuyện giật gân (nhưng không có thật) sẽ lan truyền chóng mặt một khi người dùng bấm nút "chia sẻ", và những cạm bẫy như vậy rập rình khắp nơi trong thời kỳ đại dịch.