Rác thải đã từ rất lâu luôn là mối đe dọa khẩn cấp và tiềm tàng với Hà Nội. Một đô thị lớn với tốc độ phát triển chóng mặt nhất là từ khi sáp nhập Hà Tây vào, những vấn đề về rác thải càng trở nên nan giải và trầm trọng. Không chỉ ở khâu xử lý khối lượng rác thải khổng lồ mỗi ngày, Hà Nội còn phải đối mặt với những vấn đề về môi trường khá nan giải.
Mới đây (tháng 7/2017) người dân xung quanh bãi chứa rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã phải đối phó với một đại dịch ruồi bùng phát gây đảo lộn đời sống. Ruồi tấn công vào làng mạc, chợ, nhà dân. Các gia đình phải đóng cửa cố thủ. Thậm chí ăn cơm phải quây màn. Đó là chưa kể đến ô nhiễm từ nước thải rỉ ở nơi chứa rác từ không khí và những lo ngại về ô nhiễm nguồn nước sạch sinh hoạt. Bức xúc về ruồi, một số người dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn đã ra đường lập chốt, chặn không cho xe chở rác từ nội thành vào bãi đổ.
Sự việc chỉ dừng lại và tạm lắng xuống khi các cấp thẩm quyền có đối thoại cam kết xử lý ô nhiễm. Người Hà Nội hẳn đã không còn xa lạ với những nghịch cảnh trong nội đô xuất hiện những bãi chứa rác thải bất ngờ hiện lên. Đó là những điểm tập kết rác tạm thời là giải pháp tình thế cho việc rác bị dồn đọng.
Rác thải ngập cống thoát nước, phế thải xây dựng tràn lan ven đường... đó là thực trạng đang diễn ra tại tuyến mương trên ngõ 279 Đội Cấn, thuộc địa phận phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Có nhiều nguyên nhân nhưng rõ nhất là việc người dân 2 xã Xuân Sơn và Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) trong tháng 8/2017 dựng lều, chặn xe rác vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên trong năm nay người dân hành xử thế. Sự việc nghiêm trọng tác động dây chuyền khiến nhiều khu vực rác bị dồn ứ và những bãi chứa tạm bị quá tải. Sinh hoạt của người dân ở không ít khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân ngoài lý do ô nhiễm còn là bất đồng về cách giải quyết đền bù đất đai giải phóng mặt bằng giữa chính quyền và người dân khi mở rộng bãi rác này.
Dẫn ra 2 trường hợp trên về bức xúc của người dân khu vực bãi chứa rác thải Nam Sơn, Xuân Sơn là những bãi chứa lớn nhất nhì Hà Nội, tôi muốn nói đến sự nghiêm trọng đến mức báo động của câu chuyện rác thải Hà Nội. Bãi Nam Sơn là khu liên hiệp xử rác thải (chất thải) lớn nhất Hà Nội do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) quản lý. Mỗi ngày Nam Sơn thu nhận tới 4.000 tấn rác, cao điểm lên tới 6.000 tấn. Với Xuân Sơn, công suất tiếp nhận xử lý rác thải xấp xỉ 1000 tấn/ ngày.
Hiện Hà Nội mỗi ngày có khoảng 6200 tấn rác thải sinh hoạt trong đó hơn nửa là ở khu vực nội thành. Với con số khủng khiếp như vậy, tất cả các bãi chứa rác của Hà Nội đều trong tình trạng quá tải dù thực tế việc thu gom, xử lý rác thải mới chỉ được khoảng 70%. Nghĩa là còn một lượng lớn rác thải bị tồn đọng ở những bãi rác tạm, trong khu dân cư. Rác không được thu gom phần nhiều nằm rải rác ở các huyện ngoại thành.
Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Các bãi chứa rác quá tải cùng số rác tồn đọng lưu cữu là hiểm họa thật sự về môi trường. Thật nghịch lý khi thành phố luôn coi rác thải là một vấn đề hệ trọng bậc nhất và có rất nhiều sự quan tâm cả về đầu tư lẫn điều hành kiểm soát.
Đường Nguyễn Xiển (P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) tình trạng đổ trộm phế thải ở vỉa hè cũng diễn ra nhiều tháng nay - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Có nhiều nguyên nhân. Tôi luôn nghĩ đến yếu tố con người đầu tiên. Đó là năng lực quản lý, là quy hoạch và ý thức người dân. Hà Nội nếu đánh giá công bằng thì có lẽ là một thành phố có thang điểm “sạch” rất thấp. Ngoài đường phố chỗ nào cũng có rác. Hệ thống thùng chứa rác công cộng có ở khắp nơi nhưng người dân luôn xả rác vô tội vạ. Thật buồn là tình trạng này ngày một gia tăng. Cá biệt với rác thải xây dựng, đường phố, hè phố, hồ ao…là nơi bị lạm dụng một cách không còn gì để nói.
Thật bất bình khi có những tài xế vô lương tâm sẵn sàng xả cả xe thải ở cả những con phố nội đô trong đêm.
Quy trình xử lý rác hiện nay vẫn là biện pháp truyền thống bằng chôn lấp. 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi chứa thải. Phương pháp này đơn giản đỡ tốn kém nhưng hao tốn tài nguyên đất kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường ở cả không khí lẫn nguồn nước. Cũng có những phương pháp khác nhưng không đáng kể như xử lý bằng công nghệ đốt và chế biến rác thải.
Trong rác thải số chất thải rắn sinh hoạt chiếm tới 60% càng khiến cho việc xử lý rác thải thêm khó khăn. Đặc biệt việc phân loại từ nguồn rác thải ban đầu không được làm nên rất khó khăn trong khâu xử lý.
Trong tương lai Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển việc xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến như đốt rác thải chuyển thành năng lượng. Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án cấp thành phố. Mô hình 3R xử lý rác thải đầu nguồn có thể áp dụng triệt để ở thành phố với những túi rác phân loại.
Nếu làm được việc phân loại rác từ nguồn việc xử lý chôn lấp, bóc tách chất rắn sinh hoạt và xử lý chuyển hóa năng lượng, tái chế rác ở bãi chứa thải sẽ giảm thiểu được nhiều công đoạn và chi phí. Với con số 3000 tỷ đồng hiện nay chi phí cho rác thải thì việc huy động xã hội hóa khâu xử lý rác thải là một bài toán hữu dụng và khả thi.
Mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh xanh-sạch-đẹp chỉ có thể thành hiện thức nếu Hà Nội giải quyết được câu chuyện rác thải. E rằng đây là một thách thức không dễ vượt.
Phạm Ngọc Tiến