- Từ ngày 6 - 10/4, lực lượng CSGT trên toàn quốc sẽ xử lý học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông ngay tại cổng trường, đồng thời gửi danh sách về nhà trường để trường tổ chức phê bình.
Tại cuộc họp công bố kế hoạch tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em năm 2015 vào sáng 2/4, Trung tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, trên toàn quốc sẽ diễn ra tuần lễ cao điểm chiến dịch xử lý vi phạm quy định đội MBH đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, từ ngày 6 - 10/4.
Từ 6/4 sẽ bắt đầu chiến dịch xử lý trẻ em trên 6 tuổi không đôi MBH. (Ảnh minh họa) |
Theo kế hoạch, từ ngày 6-9/4, lực lượng C67 sẽ tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội MBH của học sinh tại các trường học. Đáng chú ý trong chiến dịch này, C67 sẽ phối hợp với ngành giáo dục, nhà trường tổ chức phê bình học sinh vi phạm quy định.
“Lực lượng chức năng sẽ ghi nhận những trường hợp học sinh vi phạm báo về địa phương, mời gia đình, phụ huynh có học sinh vi phạm để nhắc nhở. Gửi danh sách học sinh vi phạm về nhà trường để trường tiếp tục có biện pháp nhắc nhở đối với học sinh”, ông Bình cho biết.
Ngày cao điểm xử lý là 10/4, CSGT sẽ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em, trong ngày này sẽ chú trọng tập trung khu vực xung quanh các trường học. Sau đó duy trì thực hiện theo kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường bộ và lưu ý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em.
Trung tá Đỗ Thanh Bình cho rằng: An toàn cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và kế hoạch này là nhằm bảo vệ trẻ em. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội MBH bị nhắc nhở, còn người bị xử lý và phải chịu trách nhiệm nộp phạt là bố mẹ của các em hoặc bất kỳ ai chở các em tham gia giao thông.
“Muốn làm gương cho con thì bố mẹ phải có trách nhiệm đội MBH cho mình và cho con khi tham gia giao thông” - Trung tá Bình nhấn mạnh.
“Khi bị CSGT phạt vì không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con thì cha mẹ nên cám ơn vì CSGT đã quan đến sự an toàn của con mình khi tham gia giao thông bằng xe máy” - ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đưa ra lời khuyên.
Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT cho biết: Sẽ phối hợp tích cực kế hoạch xử lý vi phạm về MBH đối với học sinh, theo đó nhà trường sẽ có những biện pháp phù hợp để nhắc nhở và phê bình học sinh.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy đa phần học sinh đồng tình ủng hộ và cam kết chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, điều quan trọng là Bộ GD&ĐT phải nắm được thông tin về tỷ lệ đội MBH cho trẻ em của từng trường hợp để có biện pháp xử lý và theo dõi kịp thời. Đây cũng là cơ sở để cơ quan có trách nhiệm đánh giá được mức độ hiệu quả của từng biện pháp và thúc đẩy tỷ lệ đội MBH cho trẻ em.
Ông Hùng cũng nói rõ, mục tiêu của chiến dịch này là tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội cần quan tâm đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, từ đó ý thức đến người lớn cần gương mẫu đội MBH khi tham gia giao thông.
Việc xử lý vi phạm quy định đội MBH đã được quy định trong Nghị định 171 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện chở trẻ em không đội MBH tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/lần vi phạm. |
Vũ Điệp