Kết quả thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ và hạt nhân năm 2017 của Bộ Khoa học - Công nghệ đã xử phạt 84 cơ sở vị phạm với tổng số tiền phạt lên tới hơn 500 triệu đồng.

“Quản lý nguồn phóng xạ đang có vấn đề”

“Quản lý nguồn phóng xạ đang có vấn đề”

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc thẳng thắn khi nói về sự cố mất nguồn phóng xạ tại tỉnh Bắc Kạn trong cuộc họp báo sáng nay, 7/1.

Báo cáo tổng kết thanh tra chuyên đề do ông Trương Hồng Dương, Chánh thanh tra Bộ KHCN trình bày tại hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề cho hay Bộ KHCN đã tiến hành thanh tra 880 cơ sở, gồm 589 cơ sở có nguồn phóng xạ và 291 cơ sở X-quang của 56 tỉnh thành/phố. 

Kết quả, đã có 84 cơ sở bị xử phạt hành chính vì các hành vi vi phạm quy định về an toàn bức xạ, chiếm tỉ lệ 9,55%. Trong đó số cơ sở quản lý và sử dụng nguồn vi phạm là 58 cơ sở và số cơ sở X-quang vi phạm là 26 cơ sở. 

Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 552 triệu đồng. 

{keywords}
Ông Trương Hồng Dương, Chánh thanh tra Bộ KHCN đọc báo cáo tổng kết thanh tra chuyên đề 2017. 

Các hành vi vi phạm gồm: Không khai báo cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; Không lập, lưu hồ sơ an toàn bức xạ; Thiếu chứng chỉ nhân viên bức xạ, chứng chỉ đào tạo ATBX; Thiếu kiểm soát liều chiếu xạ; Thiếu chỉ dẫn an toàn, an ninh, cảnh báo bức xạ, nội quy ATBX; Không bố trí người phụ trách ATBX của đơn vị; Không tổ chức khám sức khoẻ cho nhân viên bức xạ định kỳ; Không kiểm định khu vực làm việc; Không thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm về thực trạng an toàn tiến hành công việc… 

Ông Dương cũng cho hay, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, buộc bổ nhiệm người phụ trách an taonf, buộc đọc liều kế cá nhân theo quy định… 

Tuy vậy, theo ông Dương, việc 7 tỉnh thành phố gồm Bắc Giang, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Bình, Tuyên Quang, Sơn La không triển khai thanh tra chuyên đề là một vấn đề cần phải xem xét. Bên cạnh đó, theo ông Dương, số tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ 552 triệu đồng là "rất khiêm tốn". 

Cũng tại hội thảo, đại diện Cục An toàn bức xạ hạt nhân cũng đã trình bày báo cáo về công tác quản lý đối với nguồn phóng xạ theo quy định hiện hành. Theo đó, cả nước hiện nay có khoảng 600 cơ sở sử dụng, lưu trữ tạm thời các nguồn phóng xạ với tổng số 5.000 nguồn phóng xạ kín.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo. 

Trong đó có trên 2.000 nguồn phóng xạ đang sử dụng, 3.000 nguồn phóng xạ đang được lưu giữ tạm thời. Phần lớn nguồn phóng xạ đang được ứng dụng trong công nghiệp, y tế, nghiên cứu, đào tạo và các lĩnh vực khác. 

Đại diện Cục An toàn bức xạ cũng cho rằng, công tác quản lý nguồn phóng xạ hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập, trong đó có việc ý thức chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu còn chưa cao, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên chưa có biện pháp thích hợp để quản lý, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời. 

Trong năm 2015-2016 đã xảy ra ra 2 vụ mất nguồn phóng xạ và một số vụ việc mất an ninh nguồn phóng xạ, chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ. 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, qua cuộc thanh tra chuyên đề đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nguồn phóng xạ. "Đây là những thách thức đặt ra và cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân phải có các giải pháp trong thời gian tới". 

Hà Phương