Việc khôi phục hiện nay chủ yếu dựa vào văn bản Hán Nôm, dựa chủ yếu vào ký ức tập thể, nên không tránh khỏi có những sai lầm.
Xem tiếp kỳ 2: Đã công khai cả những điều từng cấm kỵ
Xem tiếp kỳ 3: Vẫn luẩn quẩn ngụy biện "trên đúng, dưới sai"
Nhà báo Thu Hà: Kính thưa quý vị và các bạn, tín ngưỡng là một hiện tượng văn hóa phổ biến ở mọi quốc gia. Theo thời gian tín ngưỡng sẽ trở thành phong tục tập quán. Ở nước ta sau một thời gian bị “lãng quên”, việc thực hành tín ngưỡng đã được khôi phục. Tuy nhiên, do bị gián đoạn trong một thời gian dài cùng với cách khôi phục có phần vội vã, vụ lợi, không phù hợp tình hình phát triển của xã hội nên đã gây không ít hệ lụy.
Xung quanh câu hỏi mà dư luận đang đặt ra hiện nay, vì sao nhiều cổ tục lại đang trở thành hủ tục, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và ông Ngô Đức Thịnh, GĐ Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Nhà báo Thu Hà: Thưa hai khách mời, các vị nhận xét như thế nào về cách thực hành nghi lễ tâm linh của người Việt hiện nay? Chúng ta có còn giữ được tinh thần và các nghi thức như cha ông để lại?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Để trả lời đầy đủ, rốt ráo câu hỏi này thì không thể chỉ gói trong một cuộc trò chuyện.
Theo thống kê, gần 8.000 lễ hội đã được phục hồi và hình thành mới, được quan tâm nhiều nhất là lễ hội dân gian. Việc phục hồi những lễ hội này được bắt đầu từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Đây là một dấu hiệu tốt, tích cực, là cách quay trở về với truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, giữa các vùng miền lại có những khác biệt.
Nếu như miền Bắc quãng thời gian từ năm 1954 cho đến đầu những năm 1980 hầu như không tồn tại các hoạt động thực hành tín ngưỡng nữa thì trong khoảng thời gian đó, trong miền Trung và miền Nam vẫn duy trì. Chính sự khác biệt này đã khiến cho những hoạt động lễ hội ở ba miền có những diễn biến không giống nhau.
Câu hỏi chị vừa đặt ra chủ yếu tập trung các hội làng miền Bắc. Miền Bắc là địa bàn gốc của người Việt. Ở đây đã hình thành truyền thống thờ thần, truyền thống về tụ cư một cách lý tưởng, có truyền thống liên kết trong một môi trường làng mạc với nhà nước.
Trong hệ thống cũ (đến năm 1945, thời điểm cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn), liên kết đó rất chặt chẽ, dựa trên mấy cấp độ. Cấp độ thứ 1 là cả nhà nước và cộng đồng làng đều tuân thủ những quy định do nhà nước ban hành. Cấp độ thứ 2 là do môi trường, những hội như vậy diễn ra quy mô ở một làng hay một số làng, như chúng ta hay gọi là liên làng. Cấp độ thứ 3 tạo ra được sự gắn kết ở trong một làng hay là ở trong một hội. Còn nếu mở rộng hơn, sẽ là qui mô quốc gia. Nhìn lại lịch sử như vậy để thấy, tính thống nhất rất cao trong việc thực hành lễ hội của người xưa.
Việc ngắt quãng trong một thời gian dài, từ 1954 đến đầu những năm 80 đã khiến cho hệ thống này bị phá vỡ, và việc phục hồi này đang được phản chiếu dưới nhãn quan là văn hóa tinh thần mà quên đi mất phần trình diễn, phô bày nghi thức, biểu hiện của người dân đối với thần linh.
Việc khôi phục hiện nay chúng ta đang làm, chủ yếu dựa vào văn bản Hán Nôm, dựa chủ yếu vào ký ức tập thể, nên không tránh khỏi có những sai lầm.
|
Do bị gián đoạn trong một thời gian dài cùng với cách khôi phục có phần vội vã, vụ lợi. |
Xin nhắc lại, nghi thức hội mà chúng ta quen gọi là lễ hội dân gian vốn dĩ là hệ thống thống nhất, nhưng giờ đã trở thành hoạt động trong khuôn khổ của từng cộng đồng. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta không thể hy vọng mọi nghi lễ, cách thực hành nghi lễ diễn ra đúng như sự hiện hữu của nó.
Ông Ngô Đức Thịnh: Tôi đồng ý với anh Nguyễn Quốc Tuấn. Tôi không dùng phục dựng, mà tôi dùng thuận ngữ khôi phục văn hóa dân tộc.
Trong khôi phục văn hóa dân tộc thì có phần lễ hội. Lễ hội là một trong những “hương mật” của văn hóa dân gian Việt Nam. Việc khôi phục gần 8.000 lễ hội là điều tốt mà chúng ta đã làm được trong chủ trương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, như anh Nguyễn Quốc Tuấn vừa nói, từ đầu thập niên 1950, cũng có thể là từ trước đó nữa, và cả trong chiến tranh cho đến thập niên 1980, tức là trong độ khoảng 40 - 50 năm chúng ta đã bị đứt đoạn. Có mấy lý do lý giải sự đứt đoạn này, do có thời chúng ta coi đó là tàn dư của phong kiến, chúng ta coi tín ngưỡng là mê tín dị đoan… Nhận thức như vậy, trong lúc đó là hết sức sai lầm. Rất may từ năm 1986, chúng ta đã nhận thức lại và đang cố gắng khôi phục lại.
Điều tôi muốn nói ở đây, sự đứt đoạn trong mấy chục năm như vậy khiến cho hiểu biết của chúng ta về tín ngưỡng cũng bị đứt đoạn theo.
Ai cũng biết, tín ngưỡng là gốc của lễ hội và tín ngưỡng không phải là chỉ ngồi đó và tin vào Phật, tin vào thần thánh và tin vào Mẫu, mà đi kèm là thực hành những hành vi để họ thể hiện niềm tin. Và đó mới thành tín ngưỡng.
Chúng ta chủ trương tự do tín ngưỡng, nhưng có một số nguyên tắc khiến việc thực hành đôi khi lại bị ngăn cản bởi một vài cá nhân thiếu hiểu biết. Tôi vẫn còn nhớ, khi chúng ta lập hồ sơ gửi lên UNESCO đề nghị công nhận tín ngưỡng thờ Hùng Vương, chúng tôi đã phải dành nhiều thời gian giải thích và làm rõ câu hỏi, nhân dân có được đến đền Hùng để thực hành những hành vi tín ngưỡng không, bởi đền Hùng là biểu tượng điển hình của nhà nước hóa về tín ngưỡng.
Phải hiểu rằng, hành vi tín ngưỡng là do con người đặt ra dựa trên niềm tin của họ, nơi họ gửi gắm niềm tin đó. Ngày xưa, các cụ đã làm rất chuẩn, rất rõ ràng, còn bây giờ chúng ta đang khôi phục, nhưng lại trong tình trạng rất lộn xộn. Có những hành vi đã không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Ví dụ nghi lễ chọi trâu. Trong một xã hội phát triển như hiện nay, nghi lễ chọi trâu có còn phù hợp? Câu hỏi ngày cần được suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định khôi phục lại. Với những gì đang diễn ra ở các địa phương, tôi e rằng, nguy cơ mỗi tỉnh có một lễ hội chọi trâu sẽ vô cùng nguy hiểm.
Nhà báo Thu Hà: Theo tôi được biết thì nghi thức hiến sinh đã có sự thay đổi theo thời gian. Từ thời mông muội, có lúc người ta thậm chí còn dùng sinh mạng người sống để thực hành một số nghi thức tế lễ, nhưng đã từ rất lâu rồi, khi xã hội phát triển ngày càng văn minh, việc dùng sinh vật sống để hiến tế đã bị loại ra khỏi các nghi thức hành lễ có đúng không ạ?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Cái chúng ta thiếu là những nghiên cứu bài bản, thấu đáo về các hành vi trong lễ hội.
Rất nhiều tộc người trên thế giới đã từng tồn tại tục hiến sinh. Vấn đề là ở Việt Nam, đặc biệt là các hội ở phía Bắc thì tục hiến sinh (nếu như tôi nhớ không nhầm) cũng không chiếm số lượng nhiều.
Đúng là từ lâu rồi, tục hiến sinh không còn tồn tại như là một hành vi, như một nghi thức bắt buộc của các lễ hội. Quan sát một cách nghiêm túc sẽ thấy, các cụ đã có những thay đổi, không hiến sinh thông qua các hành động bạo lực như đâm, chém... hay sử dụng sinh mạng sống để diễn tả niềm tin của mình. Rõ ràng, các cụ đã có những nghi thức khác. Theo tôi đó là một giải pháp thay thế hết sức tài tình, giỏi, phù hợp xu thế phát triển của nhận thức con người.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn. |
Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà ta có thể nói ngay rằng việc duy trì các tục hiến sinh bằng việc chém lợn, đâm trâu là man rợ, là lạc hậu. Tôi hoàn toàn không nghĩ vậy. Nếu người ta hiểu một cách thực sự, hiểu nghiêm túc và có trách nhiệm về văn hóa thì người ta sẽ không đẩy vấn đề lên quá xa. Ví dụ, ở Tây Nguyên chúng ta có tục “ăn trâu”, chứ không phải tục “đâm trâu”, đập đầu trâu đâu nhé. Không phải là không có lý khi người ta đề nghị phải khôi phục trên khía cạnh là bảo vệ bản sắc văn hóa.
Ở đây cũng phải nói tới trách nhiệm của truyền thông. Trong thời đại Internet hiện nay, trong một thế giới phẳng như thế này, thông tin càng cần phải có trách nhiệm, càng phải chính xác và đẩy đủ.
Tôi cho rằng xã hội ngày càng đổi thay, chúng ta đã tham gia toàn cầu hóa, đã hội nhập thì cũng nên nghĩ tới việc điều chỉnh những phong tục và nghi thức cho phù hợp với môi trường mới, với xu thế phát triển mới. Với những nghi thức, phong tục đã không còn được số đông ủng hộ, được xem là không phù hợp với xã hội ngày nay thì đại diện các cộng đồng, nhà nghiên cứu và các nhà quản lý địa phương cần ngồi lại với nhau, đưa ra giải pháp thay thế.
Về mặt linh thiêng chắc chắn sẽ không có gì thay đổi, sự thay đổi chỉ là đi tìm một phương thức biểu hiện. Tôi nghĩ như thế sẽ phù hợp hơn với một xã hội hiện đại, một xã hội mà chúng ta đang cùng nhau đưa ra các tiêu chuẩn đối xử và với môi trường, với con người, với tự nhiên một cách thân thiện.
Và việc điều chỉnh và quyết định sự thay đổi này phải khởi phát từ cộng đồng, chính cộng đồng mới là người quyết định, chứ không phải từ là các nhà quản lý hành chính địa phương.
Ông Ngô Đức Thịnh: Việc hiến sinh là một hành vi thường diễn ra trong đời sống tín ngưỡng và tôn giáo.
Tôi đã từng đọc tư liệu về một số vùng (giờ thì không còn nữa), họ đã từng có những nghi lễ dâng hiến những cô gái đồng trinh để tế thần và cầu mong đến sự bình yên. Ở nước ta, cũng lưu truyền việc có vị vua nhà Trần khi đánh quân Chiêm đã gặp một trận bão rất lớn ở miền Trung, khi đó nhà vua hiến một người phụ nữ trong cung cho thủy thần ở khúc sông đó.
Rõ ràng, đã qua lâu rồi cái thời người ta dùng súc vật để hiến tế, để thực hiện nghi lễ tâm linh. Hiến sinh là một lễ luôn thay đổi để phù hợp với mỗi xã hội.
Vấn đề là việc truyền thông. Ngày xa xưa, những nghi thức này được thực hiện trong một phạm vi hạn hẹp của cộng đồng, những người rất am hiểu nghi lễ của họ. Giờ đây, khi phạm vi này được phá bỏ, không ít người vì chưa hiểu hết ý nghĩa của một số nghi thức nên qui chụp này nọ. Tôi đã nghiên cứu, và tôi không tin dân tộc Việt Nam có một làng nào đó dã man.
Ông Ngô Đức Thịnh. |
Cũng như anh Nguyễn Quốc Tuấn, cá nhân tôi không thích hành động sử dụng sinh vật sống để thực hành tế lễ. Nhưng chúng ta cần phải hiểu đúng và hiểu sâu về những nghi thức cổ.
Các cụ ngày xưa để chuẩn bị cho mỗi kỳ tế lễ, sẽ phân nhau nuôi 4 con lợn. Đến ngày làm lễ, họ sẽ có thông báo để người ngoài biết không được dự. Rồi họ thả những con lợn đó ra cho chạy và những chiến binh đuổi theo. Nghiên cứu của tôi chưa thấy việc người xưa treo con lợn thành 4 góc rồi hiến tế. Thực tế này cho thấy, do chúng ta hiểu sai, thiếu thông tin nên chúng ta đang phục hưng sai cổ tục.
Nhà báo Thu Hà: Việc tổ chức ra nghi lễ tâm linh hiện nay là do lãnh đạo địa phương quyết định hay là người dân tự làm?
Ông Ngô Đức Thịnh: Đó là người dân. Trước đây, đã có lúc chính quyền can thiệp nhưng giờ đây, người dân, cộng đồng bản địa là người quyết định. Nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương là vận động, giúp người dân hiểu đúng, thay đổi nhận thức chứ không được ra sắc lệnh cấm đoán.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Anh Thịnh vừa nói một ý mà tôi rất chia sẻ. Đó là chính quyền không nên can thiệp bằng các biện pháp hành chính mà theo tôi, các nhà nghiên cứu, đại diện chính cộng đồng đó nên ngồi lại với nhau, thuyết phục nhau, tìm giải pháp thay thế những cổ tục không còn phù hợp.
Trong việc này, mọi mệnh lệnh hành chính đều có thể làm cho cộng đồng bị tổn thương. Bởi vậy, nên thuyết phục, tuyên truyền giúp cộng đồng đó thay đổi, chủ động để xuất giải pháp thay thế.
Ông Ngô Đức Thịnh: Đã từng có một thời kỳ chúng ta can thiệp quá sâu vào việc thực hành các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên chúng ta đã thay đổi, đã trả lại cho chủ thể của nó, chúng ta đã trả lại lễ hội cho người dân. Ở đâu cũng vậy, không ai lại đi “nhà nước hóa lễ hội” cả.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trả rồi thì mặc dân muốn làm gì thì làm. Mà lúc này, vai trò của các nhà quản lý địa phương, vai trò của các nhà nghiên cứu là phải thuyết phục và giúp người dân, giúp cộng đồng thực hiện vai trò chủ thể văn hóa.
Xem tiếp kỳ 2: Đã công khai cả những điều từng cấm kỵ
Xem tiếp kỳ 3: Vẫn luẩn quẩn ngụy biện "trên đúng, dưới sai"
Tuần Việt Nam - Ảnh: Phạm Hải – Quay clip: Xuân Quí, Đức Yên – Dựng clip: Huy Phúc