Giữa tháng 12/2022, UBND tỉnh Bến Tre và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ phát động thực hiện mô hình “Tuyến phố không tiền mặt” và ra quân cao điểm thanh toán không tiền mặt dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tuyến phố không tiền mặt của địa phương sẽ được tổ chức trên đoạn Công viên An Hội đến vòng xoay Tân Thành và mở rộng đến đường Nguyễn Đình Chiểu (thuộc TP. Bến Tre). Song song với tuyến phố này, hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ được triển khai đồng loạt từ ngày 17/12/2022 đến 5/2/2023 tại các chợ truyền thống và trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
Nắm bắt xu hướng thanh toán tiền trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, mới đây Techcombank đã triển khai mô hình “phố không tiền mặt” tại tụ điểm mua sắm nhộn nhịp quanh khu Vincom Bà Triệu – Hà Nội. Chỉ cần mang theo smartphone là khách hàng có thể dễ dàng “check in” thanh toán tại chuỗi hơn 60 cửa hàng nổi tiếng để ăn uống và mua sắm, chỉ với bước chạm QR code. “Phố không tiền mặt” được định vị tại các con phố chính sầm uất của Hà Nội, nổi tiếng với các địa điểm ăn uống, mua sắm “hot” nhất của giới trẻ gồm các phố Thái Phiên, Lê Đại Hành, Đoàn Trần Nghiệp, Triệu Việt Vương…
Hồi tháng 6/2022, UBND TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Ví điện tử MoMo đã ra mắt chương trình "Tuyến phố thanh toán không tiền mặt - Hải Châu 2022". Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trên 2 trục đường trung tâm là Trần Văn Trứ và Nguyễn Văn Linh, nơi tập trung nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm giải trí.
Tại đây, người dân sẽ mua sắm hàng hóa rồi thanh toán không dùng tiền mặt ngay tại các gian hàng với đa dạng loại hàng hóa, như: thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, mini-mart, dịch vụ viễn thông... với nhiều ưu đãi. Người dân cũng có dịp được trải nghiệm và thụ hưởng nhiều ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ từ đó xây dựng thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt; hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá thể,…
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Cùng với đó, xu hướng số hóa đang dần đi vào đời sống của người dân, xã hội. Vì vậy việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp giao dịch mua bán tại chợ, địa điểm mua sắm thuận lợi, an toàn hơn. Trước đó, Đà Nẵng đã áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt cho 1.000 tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa với 37 ngân hàng và ví điện tử để hỗ trợ cho người dân và du khách.
Không chỉ Bến Tre, hay Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, mô hình phố đi bộ không tiền mặt bắt đầu lan tỏa khá mạnh tại các địa phương có đông khách du lịch như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang…
Lâm Đồng đã triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Đà Lạt. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, dự kiến thí điểm phố đi bộ không tiền mặt Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng đến vườn hoa TP. Đà Lạt). Đồng thời mở rộng mô hình chợ đêm tại khu vực Công viên Ánh Sáng và tuyến phố ẩm thực trên đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ.
Tại Khánh Hòa, sau thành công của tháng không tiền mặt và mô hình chuyến xe không tiền mặt sắp tới đây, ngành Công Thương sẽ kiến nghị triển khai phương án không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống. Năm 2023 dự kiến địa phương sẽ thí điểm tuyến phố không tiền mặt, trước mắt thực hiện tại các “phố Tây” ở TP Nha Trang sau đó nhân rộng ra những nơi khác.
Sau thành công tại các phố đi bộ tại Đà Nẵng, MoMo đã mở rộng địa bàn sang các khu vực khác tại Hội An, Huế. Trong đó, nhắm đến “phủ sóng” tất cả các dịch vụ hàng ngày, như thu phí không dừng, thanh toán tiền mua hàng, đặt phòng khách sạn, thu phí giữ xe, vé tham quan du lịch… Nhiều khả năng, các tuyến phố, chợ không tiền mặt sẽ tiếp tục là xu hướng được nhiều tỉnh, thành mở rộng và phát triển trong các năm tới.