Chia sẻ với báo chí tại buổi gặp mặt báo chí hôm 20/6, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu thông tin một số nội dung nổi bật về hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm của Tập đoàn
Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.
Để ứng phó với những khó khăn, diễn biến bất định của thị trường trong thời gian tới Vinatex đã tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ, linh hoạt, với thông điệp xuyên suốt là “Kiên cường – Dũng cảm – Đoàn kết – Sáng tạo”. Các đơn vị trong hệ thống đã đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường mới nhằm cân bằng, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Thực hiện đầu tư chiều sâu, nâng cấp để đảm bảo mức độ tự động hóa, tối ưu để khai thác hiệu quả hệ thống năng lực SXKD hiện có, đồng thời hình thành các hướng đầu tư mới để đảm bảo cân bằng và kết nối hữu cơ hệ thống sản xuất trong từng đơn vị và các đơn vị trong Tập đoàn.
Áp dụng quản trị số trên toàn hệ thống, bước đầu sử dụng App quản trị sợi cho tất cả các đơn vị sợi trong Tập đoàn, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong tổ chức sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, tối ưu hóa khi sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, giao hàng nhanh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các đối tác nắm giữ công nghệ, tập trung vào các sản phẩm đặc thù, chuyên biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao để tạo dựng những sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn. Có chính sách sử dụng sản phẩm lẫn nhau của các đơn vị trong Tập đoàn, đặc biệt hình thành chuỗi sản xuất khép kín đối với một số sản phẩm đặc thù mới như vải chống cháy, khăn…, làm nền móng cho liên kết chuỗi toàn hệ thống sau này.
Tháng 3/2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về sản xuất các loại trang phục vải chống cháy với công nghệ độc quyền từ phía Tập đoàn Coats. Mục tiêu trong năm đầu tiên sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy với giá trị 5 triệu USD. Ngay trong tháng 7/2024, sẽ xuất những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia, Ấn Độ, thị trường Trung Đông. Có thể nói, đây cũng là cơ hội mới cho Vinatex và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định.
“Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn đã hoàn thành cả doanh thu lẫn lợi nhuận hợp nhất xấp xỉ 50% kế hoạch năm. Để về đích năm 2024 với các mục tiêu đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, trước các thách thức: nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất SXKD của doanh nghiệp, Vinatex sẽ linh hoạt, sáng tạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn; Thẳng thắn nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng; Minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển; Phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh để chỉ đạo, điều hành; Đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường” – Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Bình Minh