- Lần ngược về quá khứ gia đình, Phan Việt biết rằng phụ nữ Việt Nam đã được truyền đạt một lối cư xử thiên về nín nhịn và chịu đựng. 

Trước khi "Xuyên Mỹ" ra đời, tôi hầu như không có chút hình dung nào về mối liên quan giữa Phan Việt và Nguyễn Phương Mai. Họ hầu như rất khác nhau về tính cách dù đều sở hữu danh phận và bằng cấp sáng ngời ở môi trường trí thức ngoại quốc. Một người tự do táo bạo, một người khép kín, nội tâm, ôm lấy dằn vặt cho mình. Nhưng sau khi đọc hết cuốn sách gần 400 trang - tác phẩm mới nhất của Phan Việt, thấy cô bắt đầu tìm lại sự tự tin vào chính mình, tôi mới bắt đầu cảm thấy sự gần gụi hơn giữa hai học giả này - hai người phụ nữ đã làm nên sự khuấy đảo mới mẻ trên văn đàn Việt Nam. 

Nguyễn Phương Mai có thể nói đã viết một câu văn đáng nhớ trong cuốn sách đầu tay "Tôi là một con lừa" (2013): "Đừng cãi lại trái tim mình, nếu không thắng cũng thành thua". 

{keywords}
 "Xuyên Mỹ" - cuốn sách mới nhất của Phan Việt đã bộc bạch thẳng thắn về những cảm xúc đổ vỡ, phá vỡ sự im lặng đau khổ của người phụ nữ. 

Khi kết thúc "Một mình ở Châu Âu" (xuất bản năm 2013), đọng lại trong người đọc là một Phan Việt đã nhìn thấy ánh sáng hạnh phúc ở cuối con đường, nhưng kiệt lực và hoang hoải vì mối quan hệ thất bại. Hành trình Châu Âu gần như là một cuộc trốn chạy và mong tìm lại bản thân sau gần bảy năm lạc mất chính mình trong một mối quan hệ không thể biểu đạt và bế tắc như nước đọng.  

Kết thúc chuyến hành trình Châu Âu đơn độc, Phan Việt trở về Mỹ và đối mặt với cuộc hôn nhân của mình. Lần này là trực diện. Và sau nhiều ngày dằn vặt đau đớn, không thể bộc lộ và không thể chia sẻ bên một người đàn ông quá kiêu hãnh và quá tự tôn, chị đã là người chủ động đưa đơn ly dị. 

Lần ngược về quá khứ của mình, của di sản những gì chị được nghe và được thấy từ gia đình, Phan Việt biết rằng phụ nữ Việt Nam và đàn ông Việt Nam đã được truyền đạt một lối cư xử bất bình đẳng, thiếu thành thật và thẳng thắn. Sự bền vững trong hôn nhân của nhiều gia đình đang phụ thuộc vào sự nín nhịn và chịu đựng của người phụ nữ với rất nhiều những lý do: sợ hãi sự bất ổn định về bản thân, tài chính hay con cái...

Ý thức hệ về vai trò của người phụ nữ và người đàn ông đã để lại gánh nặng trên vai người phụ nữ Việt Nam đến mức nào? Nó đã khiến cho người đàn ông cũng phải gồng mình giữ lấy cái gọi là "sĩ diện" và không thể mở lòng với người phụ nữ của mình đến mức nào, đã mang nặng một lối đối thoại thiên về giận dữ và chỉ trích ra sao? Hy vọng thế hệ sau sẽ có những lời giải đáp thích đáng. Chỉ là ngay lúc này, trong quá khứ và một vài năm tới, chắc chắn đã/đang và sẽ có vô số những con người đang gánh chịu cực hình của hôn nhân mà không thể chân thực bày tỏ tấm lòng mình với chính những người tưởng chừng như thương yêu nhất ngay bên cạnh. 

{keywords}
Nhà văn Phan Việt, tiến sĩ ngành Công tác xã hội. 

Lựa chọn cách mở lòng vô cùng thành thật và chi tiết về mối quan hệ của mình với Sơn - chồng cũ, Phan Việt không biết rằng chị đã mở ra một vùng nội tâm không hề được bày tỏ hay chia sẻ của nhiều người phụ nữ Việt Nam vốn quen im lặng. Tác phẩm cũng được viết rất đẹp với văn phong mềm mại, đau buồn nhưng dịu dàng, êm ái, nhiều xúc cảm hơn so với "Một mình ở Châu Âu", có cách quan sát bản thân tinh tế và kỹ lưỡng.

"Cô cần một ai đó hiểu những gì cô làm và tự hào về điều đó, và anh ta cũng phải tự tin vào giá trị của mình, vào công việc mình đang làm, anh ấy cũng có công việc riêng của mình... như thế anh ta có thể hỗ trợ cô và cô có thể hỗ trợ anh ấy mà không ai cảm thấy tự ti với người kia." - Cynthia, tư vấn tâm lý của Phan Việt nói.

"Anh ta có thể là giáo sư đại học, là giáo viên, có thể là thợ mộc, kỹ sư hay nhà báo, không quan trọng... anh ta không cần phải có bằng tiến sỹ nhưng anh ta phải yêu cái mà anh làm, anh ta phải có sự say mê riêng, có khả năng riêng và tự tin về cuộc sống của mình, về giá trị của mình, phải thực sự chấp nhận mình, như thế thì anh ta mới có thể để cho cô là chính mình, sẽ tự hào về cô và công việc của cô chứ không muốn đè bẹp cô hay kiểm soát, không chế cô.

Cho nên, nếu cô kiên nhẫn tìm hiểu về mình, biết rõ mình cần lấy người như thế nào thì cô sẽ có cơ hội được hạnh phúc" - Cynthia kết luận. 

Công cụ hữu ích nhất mà chúng ta có để đối xử với nhau trong một mối quan hệ thiết thân không phải là kiến thức giáo điều hay sự thông minh vượt trội, mà là sự thành thật với cảm xúc của bản thân và sẵn sàng hợp tác để tìm ra giải pháp của vấn đề. 

Đọc Phan Việt và "Xuyên Mỹ" để thấy phụ nữ Việt Nam và thậm chí là người đàn ông Việt Nam còn nhiều điều phải làm với chính mình để tìm về hạnh phúc chân phương và đích thực. 

Hồ Hương Giang