- Trong buổi khảo sát tại trạm y tế Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) và Trung tâm y tế Từ Liêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tỏ ra không hài lòng với thực tế suốt 10 ngày qua không có bệnh nhân đến khám. Trong khi đó, tại BV Xanh Pôn - bệnh viện đa khoa hạng 1 của thành phố thì lại quá tải trầm trọng. Có những bệnh nhân đợi khám ở bệnh viện này từ 5h sáng nhưng đến tận hơn 11h trưa vẫn chưa được khám.

TIN LIÊN QUAN:
Nghịch lý: Nhiều bệnh viện thích… quá tải!
Bài toán quá tải bệnh viện: Giải mãi không thấy đáp số

Nghịch cảnh

Trạm y tế thị trấn Cầu Diễn được trang bị máy móc khá đầy đủ, thậm chí còn có cả một số máy móc hiện đại. Đặc biệt, hệ thống nhân lực cũng rất toàn diện, ngoài các y tá, nữ hộ sinh còn có cả một bác sĩ chuyên khoa 1. Đó là chưa kể đến một lợi thế là trạm y tế này nằm ngay sát nội thành và khu vực dân cư đông đúc.

Tuy nhiên, trái với tất cả những thuận lợi đó, từ đầu năm đến nay, cả trạm mới chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 bệnh nhân (trong đó, chủ yếu là chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân mãn tính, chỉ có 5 ca vào cấp cứu, điều trị bệnh). Đặc biệt suốt 10 ngày qua, không có bệnh nhân nào đến khám.

Trạm y tế xã/phường/thị trấn và trung tâm y tế các huyện/quận đang rơi vào cảnh đìu hiu. Trong khi đó, bệnh viện tuyến trên lại rơi vào cảnh quá tải trầm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh

Trong khi đó, Trưởng trạm y tế thị trấn Cầu Diễn – bác sỹ Đặng Thị Lan - cho biết khả năng của trạm hoàn toàn đáp ứng được việc khám chữa bệnh và điều trị ban đầu cho các bệnh nhân. Nhưng thay vì chọn nơi này để khám chữa bệnh, nhiều người dân đã tìm đến các phòng khám tư hoặc các bệnh viện công lập tuyến cuối, khiến cho tình trạng quá tải ở tuyến trên thêm trầm trọng và tuyến dưới lại càng đìu hiu.

Hiện nay, trạm y tế thị trấn Cầu Diễn hầu như chỉ làm nhiệm vụ quản lý thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em và chăm sóc người già, người bệnh mãn tính, gây lãng phí lớn về hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Văn Phi, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Từ Liêm, cho rằng việc thu hút bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế không phải việc dễ dàng. Trong năm nay, 16 trạm y tế và 2 phòng khám đa khoa của huyện chỉ thu hút được 44.000 lượt khám của bệnh nhân bảo hiểm, một con số khiêm tốn so với sự đầu tư của các cơ sở này. 

Ứng dụng CNTT để giảm tải BV

Muốn giảm tải được trong bối cảnh này, Bộ trưởng cho rằng BV phải áp dụng công nghệ thông tin vào khâu tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, cải cách phương thức bố trí khoa phòng khám bệnh, làm bằng được việc phân tuyến, giảm số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu chuyển xuống cho tuyến dưới.

Trái ngược với tình cảnh đìu hiu tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn và các trung tâm y tế quận/huyện là cảnh đông đúc, chen chúc tại các bệnh viện lớn. Bệnh viện Xanh Pôn (bệnh viện đa khoa hạng 1 của thành phố) có 550 giường nhưng trung bình mỗi ngày có 1.700-2.000 trường hợp vào khám, điều trị. Đây cũng là cơ sở có số đăng ký thẻ bảo hiểm y tế nhiều nhất ở Hà Nội. Điều này tất yếu dẫn đến quá tải.

Tại khoa Nội sáng 14/12, đã hơn 11h trưa nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân chưa đến lượt khám, thậm chí có những người lặn lội đến BV xếp số từ 5h sáng vẫn phải mòn mỏi ngồi chờ đợi.

Theo bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn đây cũng là BV có số đăng ký thẻ BHYT nhiều nhất ở Hà Nội với hơn 400.000 thẻ vào cuối năm 2010 và dự kiến đến hết năm 2011 vẫn còn đến 270.000 thẻ. Cơ sở chật hẹp, số giường bệnh ít, nhân lực ít nhưng số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT lại quá đông nên quá tải là tất yếu.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân quá tải của các bệnh viện thành phố là do tuyến dưới chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, số giường bệnh tăng thấp (mới đạt 14 giường/ 10.000 dân) trong khi nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh, nhiều BV cơ sở hạ tầng đã xuống cấp… Ngoài ra, một số bệnh viện cơ sở hạ tầng đã xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng, diện tích chật hẹp không đủ theo quy định.

Lại nóng chuyện xin đất xây BV mới và di dời bệnh viện


Trước thực trạng này, sau khi đi khảo sát thực tế, chiều 14/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về những vấn đề y tế trên địa bàn thủ đô.

 

BV K là một trong những BV quá tải nhiều nhất tại Hà Nội. Hiện BV đã có 3 cơ sở nhưng cứ mở ra đến đâu là quá tải đến đó

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến về vấn đề quá tải, khám chữa bệnh, y tế dự phòng, … được đưa ra song nóng bỏng hơn cả là chuyện di dời bệnh viện và xây cơ sở 2 cho các bệnh viện tuyến cuối đang quá tải trầm trọng.

Trong buổi làm việc, ngành y tế tái khẳng định nhu cầu cấp thiết trong vấn đề xây dựng cơ sở 2 (vẫn giữ lại cơ sở 1) để giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bệnh viện lớn (như Nhi TW, Bạch Mai) cũng thẳng thắn cho biết việc chủ trương là vậy nhưng việc xin đất hết sức khó khăn.

“Có ai đi xin đất mới hiểu nỗi khổ của chúng tôi”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TW khẳng định. Theo ông Liêm, để giải quyết được vấn đề này, Hà Nội có lẽ cần tạo ra một “cơ chế đặc thù” nào đó cho các đơn vị cần phải di dời hoặc xây cơ sở 2.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cam kết sẽ “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện trong vấn đề tiếp cận đất đai để xây dựng cơ sở 2” vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng y tế trên địa bàn thủ đô. Tuy nhận được sự ủng hộ của Hà Nội nhưng lãnh đạo ngành y tế cũng xác định vấn đề này có lẽ phải 15-20 năm sau mới thấy được kết quả. 

Đề xuất chuyển 24 cơ sở y tế ra khỏi nội đô

Theo kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn 2012-2015, các dự án trọng điểm của ngành y tế gồm nâng cấp các bệnh viện ung bướu, đa khoa Sóc Sơn, Đông Anh, Sơn Tây, Hà Đông, Ba Vì, xây mới bệnh viện nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa 1.000 giường Mê Linh, bệnh viện mắt... Về lâu dài, kế hoạch đến năm 2020 quy hoạch 5 cụm y tế đa chức năng đạt “tầm cỡ quốc tế” ở Gia Lâm, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đề xuất di chuyển 24 cơ sở y tế của Trung ương ra khỏi nội đô trong 10 năm tới, trong đó, có các bệnh viện lớn như: Việt Đức, Lão khoa, Bạch Mai, Phụ sản, Tai mũi họng, Da liễu, Mắt Trung ương...

Diện tích đất tại các cơ sở y tế đã di dời được chuyển đổi thành các cơ sở nghiên cứu, y tế dự phòng hoặc dịch vụ khám chữa bệnh phục vụ dân cư đô thị trung tâm. Còn tại nơi chuyển đến của các bệnh viện tuyến trung ương phải đảm bảo không nằm trong khu đô thị và phải cách trung tâm thành phố trong vòng bán kính từ 25 đến 30 km.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết việc di dời này phải tính đến các yếu tố về giao thông để phục vụ người dân dược tốt nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gợi ý thêm với ngành y tế Hà Nội về việc xem xét sử dụng những BV tuyến huyện của Hà Nội lâu nay thường hiu hắt bệnh nhân để làm BV vệ tinh cho các BV lớn nhằm giảm tải.

Cẩm Quyên