Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ hai nước Việt Nam - Lào.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, đề án xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được thiết kế với kết cấu 3 phần chính, gồm: Giới thiệu tiềm năng, dư địa và cơ sở pháp lý để xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan; so sánh những chính sách hiện hành giữa Việt Nam và Lào; từ đó có chủ trương chính sách vượt trội về quy trình thủ tục thu hút đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách cho người lao động và chính sách khu phi thuế quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, dự thảo đề án dự kiến xây dựng mô hình “hai nước một khu kinh tế” trên cơ sở tuân thủ yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế.
Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm, cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một”.
Đó là đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và “một chung” là chung một khu; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước.
Các cơ chế chính sách đặc biệt mới, hấp dẫn về đầu tư, giải pháp “phi thuế quan” của hai nhà nước Việt Nam - Lào sẽ khắc phục những rào cản, tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn cho các dự án, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư.
TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu một số thuận lợi khi triển khai đề án. Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Lào, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Một số dự án kết nối giao thông chiến lược giữa hai nước đang được tích cực triển khai.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần xây dựng một chương trình xây dựng và phát triển khu kinh tế thương mại xuyên biên giới mang tính tổng thể; trong đó, bao gồm cả các dự án phát triển các trung tâm và các tọa độ ưu tiên chiến lược khác, như: Sân bay Quảng Trị, Cảng biển Mỹ Thủy, Đô thị Đông Hà cùng các tuyến giao thông kết nối.