1.jpg
Yahoo đang mất đi lực lượng lớn nhân sự tài năng sau khi bán mảng tìm kiếm trực tuyến cho Microsoft. Ảnh minh họa.

Đánh mất bản sắc…

Cuối năm 2007, trong chuyến thăm trụ sở Yahoo, Steve Jobs, Tổng Giám đốc hãng Apple đã khuyên rằng Yahoo nên quyết định tập trung vào một trong lĩnh vực, truyền thông hay công nghệ thì mới có thể lớn mạnh được. Đến ngày 29/7 vừa qua, Yahoo đã “nghe lời” Steve Jobs bằng việc đặt bút ký vào bản hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến với hãng phần mềm Microsoft.

Theo đó, kể từ đầu năm 2010 Microsoft sẽ đảm trách toàn bộ phần công nghệ cho các cỗ máy tìm kiếm của Yahoo và tất nhiên là cả Bing của họ. Bản hợp đồng này có giá trị  trong 10 năm nhưng về thực chất, điều này đồng nghĩa với việc Yahoo đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc chơi tìm kiếm, chấp nhận “buông súng đầu hàng”.

Không thể phủ nhận, Yahoo đang sở hữu trong tay rất nhiều kỹ sư tài năng hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm như email, nhắn tin trên web (Yahoo Messenger), các ứng dụng mobile… nhưng với giới công nghệ, tìm kiếm mới là lĩnh vực hấp dẫn nhất và thể hiện được rõ nét nhất vị thế của một “ông lớn”.

“Trong khi chúng ta có rất nhiều công nghệ nhưng tìm kiếm mới là “quả tên lửa” mà Yahoo đang cần”, Lowell Goss, người đứng đầu bộ phận trải nghiệm người dùng của Yahoo trước khi rời khỏi hãng vào năm 2006, nói khi nghe kế hoạch “thuê” (outsourcing) Microsoft phát triển mảng tìm kiếm. Và cũng chính thời điểm đó người ta được chứng kiến một làn sóng rút lui khỏi Yahoo của hàng loạt những kỹ sư cao cấp, những người đã từng làm nên thành công của Yahoo suốt nhiều năm trước đó.

… hay kết thúc một cuộc phiêu lưu

Một số người cho rằng, Yahoo tham gia vào mảng tìm kiếm trực tuyến chỉ là kết quả của sự “a dua” khi hãng này mua lại công ty Inktomi năm 2002. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến cỗ máy tìm kiếm của Yahoo vẫn tiếp tục tụt lại phía sau rất xa so với đối thủ Google cả về khả năng tìm kiếm cũng như khả năng kiếm tiền.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác được cho là sự thiếu nhất quán của các lãnh đạo hãng. Trong khoảng từ năm 2001-2007, Terry  Semel, cựu Tổng Giám đốc của hãng đã đặt mục tiêu ưu tiên phát triển cho các ứng dụng nội dung như Yahoo Finance hay Yahoo Sports. Năm 2007, khi Jerry Yang tiếp quản Yahoo lại hướng sự tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới nhưng đã nhanh chóng gặp thất bại bởi suy thoái kinh tế và Yahoo ngày càng hụt hơi trước Google.

“Sai lầm lớn nhất của Yahoo là họ đã “mắc kẹt” quá lâu giữa ngã ba đường: trở thành một công ty chuyên về nội dung hay một hãng chuyên về tìm kiếm”, Danny Sullivan, Tổng biên tập của website công nghệ SearchEngineLand nói.

... và những cuộc “đào tẩu“ tập thể

Nhưng dù gì thì hành động “đầu hàng Microsoft” của Yahoo cũng khiến các kỹ sư của họ thất vọng. “Tôi nhìn thấy bảng thông báo và đã quyết định ra đi”, một chuyên gia cao cấp (đề nghị giấu tên) của Yahoo đã phát biểu. Ông này còn tiết lộ rằng rất nhiều những người bạn tại Yahoo cũng đã có kế hoạch rút lui khỏi hãng ngay sau khi bản hợp đồng với Microsoft được công bố.

Không chỉ các nhân viên và người dùng vội vã “bỏ chạy” khỏi Yahoo, bản hợp đồng này còn khiến hàng ngàn nhà phát triển web đang sử dụng các nền tảng mở của hãng như BOSS hay SearchMonkey trở thành những người “bơ vơ” cùng với tất cả những nỗ lực bấy lâu nay của họ “đổ sông, đổ biển” vì chẳng biết sử dụng vào đâu.

Chris Yeh, Giám đốc của Yahoo Developer Network thừa nhận rằng tương lai của các nền tảng này đang rất mập mờ. “Tất nhiên là chúng tôi sẽ phải làm việc với Microsoft để quyết định tương lai của mình cũng như của các nhà phát triển web khác đang làm việc cho Yahoo”.

Yahoo thừa nhận rằng rất nhiều chuyên gia tài năng nhất của họ đang tập trung trong bộ phận tìm kiếm nhưng trong nhiều năm qua họ đã được cho thử sức ở nhiều bộ phận khác nhau nên tương lai của họ không hề bị đe dọa.

“Những cơ hội khác trong lĩnh vực công nghệ đang dần định hình đối với họ”, Prabhakar Raghavan, Giám đốc của Yahoo Labs phát biểu, “Họ sẽ có nhiệm vụ giúp người dùng giữ liên lạc với bạn bè và cập nhật tin tức trên web”.

Sau khi sa thải hàng trăm nhân sự hồi năm ngoái, đến nay Yahoo vẫn chưa có kế hoạch cắt giảm nào. Trong khi đó, cùng với bản hợp đồng với Microsoft, hãng sẽ tiết kiệm được ít nhất 425 triệu USD từ chi phí hoạt động và “để dành” được thêm khoảng 200 triệu USD mỗi năm nhờ không phải đầu tư vào hệ thống máy chủ, và những công nghệ liên quan đến cỗ máy tìm kiếm.

Theo Business Week

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 92 ra ngày 3/8/2009.