Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí thực hiện các Chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án, chương trình để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái là trên 15.630 tỷ đồng chia theo các giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 đã thực hiện trên 9.600 tỷ đồng; còn lại gần 6.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2020.
Từ nguồn kinh phí này tỉnh Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn và hai huyện nghèo Mù Cang Chải, Trạm Tấu,…
Cùng đó, các chính sách trợ giúp đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Yên Bái chi gần 6 nghìn tỷ đồng để giảm nghèo năm 2020 |
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.457 lượt hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại bởi thiên tai, rủi ro bất khả kháng với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng; hỗ trợ trên 3.700 tấn lương thực cho 73.185 lượt hộ với trên 252 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói.
Ngoài ra, thông qua công tác vận động quyên góp, ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hàng ngàn hộ bị thiệt hại do thiên tai được giúp đỡ với giá trị hàng chục tỷ đồng...
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 32,1% năm 2016 giảm còn 11,56% năm 2019 (giảm 20,65%), bình quân mỗi năm giảm 5,16%, đạt 147,42% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; giảm gấp 3,44 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.
Đối với 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong 4 năm qua đạt 33,3%, bình quân mỗi năm giảm 8,32% (từ 75,12% đầu năm 2016 xuống còn 41,82% vào cuối năm 2019), đạt 138% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Cùng với giảm nghèo, khoảng 26.000 đối tượng bảo trợ xã hội, nhiệm kỳ qua tỉnh đã bố trí 561 tỷ đồng để chi trả trợ cấp hàng tháng, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí cho các đối tượng qua đời.
Kết quả đạt được trong giảm nghèo là rất lớn; tuy nhiên, là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có hai huyện và nhiều xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn; trong khi đó, nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội còn thấp so với nhu cầu và phần lớn phụ thuộc vào Trung ương.
Vì vậy, để giảm nghèo nhanh, bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo theo đúng tinh thần Chương trình hành động 190 và Kế hoạch 170 của Tỉnh ủy, coi giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội; từng cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo đã được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là vùng khó khăn; tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo.
Hà Sơn
ảnh: Lê Hạnh