Theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh này đặt mục tiêu 19% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số, là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có nghề, người dân có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, hoạt động này luôn được huyện Yên Lập chú trọng, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Yên Lập là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Toàn huyện có 32 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 83% sinh sống ở 17 xã, thị trấn.
Gia đình anh Phùng Văn Cường, người dân tộc Dao, ở khu Sặt, xã Trung Sơn, vốn gặp nhiều khó khăn do anh Cường không nghề, chỉ trông chờ ai thuê gì làm nấy. Dẫu cần mẫn chăn nuôi, trồng trọt nhưng chỉ theo cách truyền thống, lạc hậu, nuôi lợn, trâu, bò thả rông trên rừng, trồng cây quế cho mọc tự nhiên không chăm sóc, vì thế không đem lại nguồn thu là bao so với công sức.
Rồi anh Cường đăng ký học 2 lớp sơ cấp Thú y và Trồng trọt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Học xong, anh áp dụng kiến thức vào lao động, sản xuất ở gia đình, giúp đỡ bà con. Nhờ đó, việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh ổn định hơn, từ những khoản thu nhập nhỏ dần dần lớn lên, từng bước thoát nghèo.
Cũng như anh Cường, hàng nghìn lao động nghèo, nhất là lao động người dân tộc thiểu số tại huyện Yên Lập, ngày càng hiểu rõ được sự cần thiết của việc học nghề. Huyện Yên Lập cũng tập trung triển khai các giải pháp đào tạo nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó tăng cường tuyên truyền và định hướng giáo dục nghề nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa của nghề nghiệp đối với cuộc sống, về các chủ trương, chính sách đào tạo nghề.
Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn phối hợp tổ chức ngày hội đào tạo nghề và việc làm để tuyên truyền, tư vấn học nghề, tuyển sinh mở các lớp đào tạo nghề theo định hướng, quy hoạch phát triển của địa phương.
Trong những tháng đầu năm 2024 và 4 năm (2019-2023), toàn huyện có 4.816 lượt lao động được đào tạo, truyền dạy nghề. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 41,2 triệu đồng/năm. Ngoài đào tạo nghề cho người lao động, huyện còn liên kết với các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề và tuyển dụng lao động, tìm kiếm việc làm cho người lao động sau khi học nghề...
Trong năm 2024, tổng vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện là hơn 3 tỷ đồng. Với đặc thù dân số chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Yên Lập đã có những sáng tạo trong việc triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững, với chính sách dân tộc.
Các chương trình, chính sách được triển khai là động lực lớn giúp huyện Yên Lập thực hiện hoàn thành các mục tiêu, không chỉ chăm lo về lao động việc làm mà còn các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (như giáo dục, y tế, nhà ở...), góp phần giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Đến năm 2024, đã có trên 406.000 lượt người được khám sức khỏe định kỳ, trên 6.100 hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ BHYT trong 5 năm qua. Đặc biệt, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Lập viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Đến thời điểm này, các xã hoàn thành hỗ trợ xây dựng mới 50 căn nhà cho các hộ trên địa bàn huyện năm 2023 và hoàn thành phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng cho 70 hộ được hưởng hỗ trợ về nhà ở trong năm 2024. Hiện, một số hộ đã thực hiện nghiệm thu, hoàn tất các thủ tục để được nhận hỗ trợ xây nhà theo quy định.
Mới đây, Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Lập phối hợp tổ chức chương trình khởi công, trao kinh phí xây dựng “Nhà nhân đạo” cho 3 hội nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của 3 xã Phúc Khánh, Ngọc Đồng, Trung Sơn, mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng. Chương trình cũng tặng 20 chiếc xe đạp cho 20 em học sinh; trao 30 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Hơn 300 người nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình neo đơn thuộc xã Phúc Khánh và Đồng Thịnh cũng được khám bệnh cấp thuốc miễn phí trong chương trình này.
Nhằm tạo sinh kế bền vững góp phần giảm nghèo, từ đầu năm đến nay, Hội đã mua mới 3 bê sinh sản trị giá 45 triệu đồng, chuyển giao 1 bê sinh sản trị giá 15 triệu đồng, hỗ trợ hội viên chăn nuôi nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình...