Yến sào có nhiều thành phần dinh dưỡng cơ thể chúng ta không thể tổng hợp được. Yến sào mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường sức khỏe của xương, não bộ, cải thiện hệ tiêu hóa và đặc biệt yến sào giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Một nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng tổ yến có chứa 18 loại axit amin khác nhau, đặc biệt có hai loại axit amin là axit sialic và dẫn xuất thymol có tác dụng ức chế virus cúm.

Yến sào mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Ảnh minh họa: Vân Hương

Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cho thấy tác dụng chống oxy hóa của tổ yến là do hai thành phần là ovotransferrin và lactoferrin. Hai thành phần này giúp bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi quá trình oxy hóa. 

Vì vậy, yến sào là một món ăn giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng liều lượng hoặc không đúng cách có thể gây phản tác dụng.

Dùng yến như thế nào?

Với những người khỏe mạnh, việc hấp thụ yến thường xuyên có thể không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi, trẻ nhỏ, người đang ốm hoặc mới ốm không nên ăn quá nhiều yến.

Nguyên nhân là yến có chứa đến 45-55% là đạm. Việc ăn quá nhiều đạm sẽ gây tác động xấu tới hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe nói chung.

Do đó, người già và người bệnh chỉ nên ăn yến 2-3 lần/tuần và mỗi lần chỉ khoảng 3g. Ngoài ra, các chuyên gia khuyên nên sử dụng yến lâu dài và đều đặn để đạt được lợi ích sức khỏe của loại thực phẩm này.

Chúng ta cũng không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn yến sào dưới bất kỳ hình thức nào vì trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Bé sẽ không thể hấp thu được hết những dưỡng chất từ yến.

 Trẻ từ 1-3 tuổi có thể tập ăn hoặc uống nước yến. Tuy nhiên, yến sào là thực phẩm giàu dinh dưỡng và nhiều đạm nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến liều lượng ăn của trẻ để tránh trường hợp nạp quá nhiều dưỡng chất trong một lần, không tốt cho cơ thể của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ có thể làm quen và ăn yến mỗi lần khoảng 1-2 g, ăn 3 lần/tuần.

Từ 3-10 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu giai đoạn phát triển não và thể chất. Vì vậy, đây là lứa tuổi thích hợp nhất để sử dụng tổ yến. Tổ yến giúp cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ, có thể cho trẻ ăn mỗi lần 2-3g mỗi lần, một tuần 3 lần. 

Phân biệt yến thật và yến kém chất lượng

Người tiêu dùng khó nhận biết yến thật giả thông qua quan sát. Điều này có thể dẫn đến mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Yến sào giả có thể được làm từ bột rau câu, tinh bột, lòng trắng trứng, bún tàu và một số hợp chất chưa rõ nguồn gốc. 

Việc dùng yến sào giả không chỉ không mang lại lợi ích cho cơ thể, còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, thậm chí gây ra một số tác dụng không mong muốn. 

Một số tiêu chí giúp phân biệt yến thật và yến giả:

Nhận biết qua màu sắc, sợi yến: Hiện nay, thị trường yến thật gồm 3 loại là yến trắng (thường có màu trắng đục), yến hồng (có màu hồng nhạc hoặc có thể chuyển sang màu vàng, cam), yến huyết (có màu đỏ đặc trưng). Yến giả màu trắng sáng, nếu soi ra ánh sáng có thể thấy yến trong suốt. Ngoài ra, yến thật khi quan sát sẽ dễ dàng nhận thấy các sợi yến đan xen nhau.

Mùi vị: Cách kiểm tra tổ yến thật giả được nhiều người áp dụng là nếm thử. Theo đó, bạn chỉ lần lấy một sợi yến nhỏ và nếm thử, nếu không quá ngọt, cảm giác vị như lòng trắng trứng thì là yến thật. Nếu nếm thử có vị ngọt, có thể bạn đã mua nhầm tổ yến kém chất lượng vì yến kém chất lượng thường được trộn đường để tạo độ kết dính.

Độ đàn hồi của yến: Bạn có thể kiểm tra yến sào thật giả bằng cách bóp nhẹ tổ yến. Nếu thấy có độ giòn, dễ vỡ là dấu hiệu của yến thật. Yến giả được trộn với nhiều chất khác nên thường có độ mềm hơn và thường có tính đàn hồi.

Ngâm nước: Đây là phương pháp đơn giản và có độ chính xác cao để xác định yến thật và giả. Khi ngâm vào trong nước, yến thật sẽ dần nở ra, vẫn giữ được màu sắc như ban đầu, ngửi có mùi tanh đặc trưng như lòng trắng trứng. 

Sau khi ngâm nước, nếu yến bị hòa tan vào trong nước, đồng thời chuyển sang màu sắc khác, có mùi hôi lạ từ những chất phụ gia là yến giả, kém chất lượng.