Sau khi đăng tải bài viết Học yêu nước... kiểu Đức, VietNamNet nhận được chia sẻ của nhiều bạn đọc trẻ. Một bạn đọc ở quận Đống Đa, Hà Nội gửi tới diễn đàn ý kiến của Nguyễn Thành Vinh (Á quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2000).

Thành Vinh viết: "...Tôi là ai mà có quyền phán xét về lòng yêu nước, khi giờ đây tôi vẫn đang lang thang ở những xứ sở xa lạ để tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho sự đam mê nghiên cứu khoa học và gia đình nhỏ của mình". Dưới đây là ý kiến của Thành Vinh.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Quốc kỳ Việt Nam được cắm tại Nam Cực. Nguồn ảnh: phungnguyenduc.
Một buổi trà dư tửu hậu nọ, nhân dịp hiếm khi những anh em thanh niên xa mẹ đang học và làm việc ở nước Đức được gặp mặt đông đủ, chúng tôi ngồi tán phét đủ chuyện trên trời dưới đất.

Quanh qua kéo lại một hồi, mọi người bỗng trở nên rất hứng thú với những chuyện phiếm quanh cuộc đời của nhân vật nổi tiếng và cũng tai tiếng nhất lịch sử nước Đức, Adolf Hitler.

Dù chẳng ai ưa mưu đồ "làm cỏ" cả thế giới của nhà độc tài này, nhưng ai trong chúng tôi cũng phải công nhân Hitler yêu nước Đức một cách mù quáng ghê gớm, mù quáng hơn xa bất cứ một nhà ái quốc nào trong lịch sử thế giới thế kỷ 20.

Ngẫm ra, người dân Việt Nam ta vốn cũng nổi tiếng với tinh thần yêu nước máu lửa mãnh liệt đã được "đóng dấu chất lượng vàng" qua bao cuộc chiến đấu chống ngoại xâm suốt mấy nghìn năm lịch sử. Đáng tiếc là trong thời bình hiện nay, tình yêu quê hương đất nước hiếm khi được thể hiện, trừ những dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam giành thêm một chiến thắng oanh liệt trước một bạn láng giềng Đông Nam Á nào đó.

Mọi người kéo nhau ra đường hô to "Việt Nam chiến thắng", cùng nắm tay nhau hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", những điều mà họ có lẽ thấy đôi chút ngượng khi làm trong những tình huống cơm  áo gạo tiền đời thường.

Ở đời thường, với cơm áo đè nặng, người Việt Nam dường như đang thản nhiên tàn phá môi trường đất mẹ, lơ là những giá trị văn hóa dân tộc, quên lãng lịch sử hào hùng của cha ông.

Thật đáng tiếc khi một tình cảm đẹp đẽ như lòng yêu nước lại chỉ được thể hiện khi người Việt Nam chúng ta ở trong những hoàn cảnh khốn cùng như chiến tranh hay "áo số, quần đùi" như bóng đá.

Nhưng nói cho cùng, tôi là ai mà có quyền phán xét về lòng yêu nước, khi giờ đây tôi vẫn đang lang thang ở những xứ sở xa lạ để tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho sự đam mê nghiên cứu khoa học và gia đình nhỏ nhoi của mình.

Dù vậy, Việt Nam vẫn luôn ở trong tim tôi, vẫn là nơi tôi trở về để thực hiện những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình, là nơi nguồn cội của tất cả những sợi tơ tình cảm ngọt ngào trói buộc tâm hồn của người con xa xứ, là nơi duy nhất khi đặt chân xuống tôi có lại cảm giác ấm áp được trở về nhà.

Đáng tiếc, tôi chưa phải là một trí thức có tài như Ngô Bảo Châu hay Đặng Thái Sơn, cũng chẳng phải những vận động viên thể thao xuất sắc như Vũ Thị Hương hay Phan Văn Tài Em để giành những giải thưởng quốc tế oanh liệt như một thông điệp thể hiện tình yêu của mình với Tổ quốc.

Có lẽ, điều giản dị mà tôi làm được hiện giờ là làm thật giỏi công việc của mình, sống thật tốt để mang lại dấu ấn "có một người Việt Nam như thế" ở những nơi mà tôi đã từng đặt chân qua, góp một chút gì vào hình ảnh Việt Nam đẹp hơn lên mỗi ngày trong mắt bạn bè quốc tế.

Và tôi sẽ dạy con tôi nói cho tròn vành rõ chữ tiếng Việt, bồi đắp cho chúng một tâm hồn Việt "nguyên chất nước mắm" không lai căng cho đến một ngày không xa trong tương lai, khi cả gia đình về lại Việt Nam, chúng nó có thể hòa nhập ngay vào cuộc sống ở quê cha đất tổ mà không chút ngượng ngùng, hụt hẫng.

Một chút chuyện này tưởng nhỏ thôi mà biết bao thế hệ người Việt xa xứ chưa mấy người làm được. Nhưng tôi thì có lòng tin tưởng ghê gớm một cách kì cục rằng mình sẽ làm được chuyện đó. Kì cục như thoáng đôi khi lúc nửa đêm, tôi rón rén đeo tai nghe rồi vào internet mở thật to bài hát "Tiến quân ca", nghe thật nhiều lần và tự dưng ứa nước mắt, nổi da gà trong lặng lẽ.

  • Nguyễn Thành Vinh - Theo Tạp chí Đẹp - số tháng 1/2011
****************************
Anh thanh niên trong bài viết Học yêu nước... kiểu Đức, hay Nguyễn Thành Vinh đã và đang đi tìm câu trả lời cho chính mình: "Tôi là ai? Tôi sống để làm gì?" bằng tình yêu nước trong sáng của mình khi định vị bản thân trong dòng chảy đất nước.

Còn bạn - những người Việt trẻ tuổi, đã tìm thấy câu trả lời cho mình chưa? Xin các bạn hãy viết tiếp những câu trả lời của riêng mình bằng tình cảm mà bạn dành cho đất nước.
Bài viết gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn: