Báo Tuổi trẻ số ra ngày 11/10/2013 có đăng bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thân nhan đề "Biết yêu gia đình..." và bài trả lời phỏng vấn của ông Vũ Ngọc Hoàng (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Ủy viên Ban chỉ đạo đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục) nhan đề "Đổi mới GD từ "yêu gia đình".
Nội dung chủ yếu của hai bài viết này đều xoay quanh vấn đề GD cho thế hệ trẻ trước hết là tình "yêu gia đình". Đây cũng là vấn đề đã được khẳng định trong phần "mục tiêu tổng quát" (điểm a) của "Đề án đổi mới toàn diện nền GD..." do Bộ GD&ĐT soạn thảo. Theo đó, những người soạn thảo đề án khẳng định rằng:
"Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả - thực học, thực nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước;".
Trên tinh thần tôn trọng "sự khác biệt", trước hết chúng tôi khẳng định vấn đề GD cho thế hệ trẻ biết "yêu thương gia đình" là đúng đắn, cần thiết. Tuy vậy, chúng tôi mạo muội nghĩ rằng, mục tiêu của GD trước hết là phải giúp cho những mầm non của đất nước ý thức được, nhận thức được sự tồn tại của bản thân với tư cách là một cá nhân, cá thể độc lập trong mối quan hệ với xã hội và cộng đồng.
Giáo dục trước hết phải giúp cho mỗi cá nhân biết yêu và sống có trách nhiệm với bản thân mình sau đó mới tính đến những chuyện khác!?
Tại sao phải "yêu bản thân" mình?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, vấn đề "yêu bản thân" ở đây không phải là sự cổ vũ cho lối sống cá nhân ích kỷ, hẹp hòi. Chỉ biết có mình mà không biết đến cộng đồng và mọi người xung quanh; không quan tâm gì đến xã hội hay rộng hơn là quê hương, đất nước.
"Yêu bản thân" mình ở đây cần được hiểu là sự tự ý thức, tự khám phá khả năng, tiềm năng trong chính con người mình với tư cách là một cá thể tồn tại độc lập. Một người mà không biết "yêu bản thân" mình; không biết thương mình; không hiểu mình là ai, đang ở đâu và đang làm gì, thì con người ấy là một gánh nặng cho cộng đồng và xã hội.
Con người phải biết yêu bản thân mình? |
Không những vậy, một khi không biết "yêu bản thân" mình rất dễ đưa đến sự vô trách nhiệm với bản thân. Mà một khi đã vô trách nhiệm với bản thân thì khó có thể có trách nhiệm với người khác chứ đừng nói chi là với gia đình, với Tổ quốc.
Trong ý nghĩa này, có thể nói, việc GD cho con người biết trước hết phải yêu và sống có trách nhiệm với bản thân mình là vấn đề liên quan đến phạm trù triết học về con người đã được rất nhiều triết gia, vĩ nhân trên thế giới thừa nhận.
Theo đó GD phải hướng đến giải phóng cho con người cá nhân ra khỏi mọi ràng buộc và định kiến ích kỷ và hẹp hòi. Giáo dục phải làm sao tạo ra những con người tự do; giúp mỗi cá nhân ý thức về quyền và bổn phận của họ trong cuộc đời. Trước hết là quyền được thừa nhận "cái tôi" và bổn phận của nó đối với chính nó; sau đó là quyền và bổn phận của nó đối với cộng đồng và xã hội... Đây mới thực sự là mục tiêu và sứ mệnh trước hết của bất kỳ nền GD chân chính nào.
Thực lòng mà nói, ở xã hội ta hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc và đúng mức. Do ảnh hưởng từ văn hóa của một xã hội phong kiến kéo dài, đặc biệt do sự ảnh hưởng từ hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ trước, nên nhiều người mỗi khi nhắc đến vấn đề "con người cá nhân" thường hay tránh né, thậm chí kỳ thị. Theo đó, những người này chỉ chấp nhận, chỉ thừa nhận hay thậm chí tôn thờ "chủ nghĩa tập thể", "chủ nghĩa cộng đồng", "chủ nghĩa... mình vì mọi người"... mà thôi.
Đây là cách nhìn phiến diện nếu không muốn nói là sai lầm. Vì nếu chúng ta biết rằng lịch sử phát triển nhân loại trên thế giới hiếm có thành tựu hay chiến công nào được quyết định bởi "trí tuệ tập thể", bởi số đông cả.
Như nhà bác học vĩ đại Einstein là"tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi một cá nhân trong sự phấn đấu tự do". Hay "chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó tạo ra những giá trị mới cho xã hội...". [1]
Ngoài ra, nói như nhà văn Ayn Rand trong tác phẩm The Foutainhead (Suối nguồn) rất nổi tiếng là:"Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì chứ không phải anh ta đã làm được hay không làm được gì cho người khác. Không có gì thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có tiêu chuẩn nào khác cho phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập." [2]
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, nhiều người trong chúng ta lâu nay hay nói rằng:"những tư tưởng lớn thường hay gặp nhau". Điều này đúng không? Xin thưa là sai.
Thực ra, lịch sử nhân loại đã chứng minh, những bộ óc vĩ đại, những cá nhân vĩ đại tư tưởng của họ chưa bao giờ gặp nhau. Vì sao như vậy? Vì cuộc sống con người vốn đa dạng và muôn hình muôn vẻ. Mỗi cá thể là một sự độc lập và hoàn toàn khác biệt nên suy nghĩ và những đóng góp thông qua lao động và sáng tạo của họ cũng sẽ khác biệt...
Chính điều này mới làm cho cuộc sống trở nên thú vị và ý nghĩa hơn. Vì lẽ ấy mà tư tưởng của Phật đương nhiên sẽ khác với tư tưởng của Chúa, Khổng tử khác với Lão tử, và hàng loạt triết gia khác như: Socracte, Plato, Descartes, Hegel, Kant, Marx, Freud,... tư tưởng của họ cũng không bao giờ "gặp nhau" (nếu gặp nhau thì người ta phân ra trường phái này, trường phái nọ, học thuyết này, học thuyết kia làm gì...?)
Đến đây, có thể nói việc GD cho con người trước hết phải biết yêu và có trách nhiệm với bản thân mình là vô cùng quan trọng và cần thiết. Làm được điều này, là GD đã góp phần giúp mỗi cá nhân tự khám phá và hiểu đầy đủ hơn những phẩm chất và giá trị của họ trong tư cách của một con người.
Đó cũng là cách để GD góp phần mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi cá nhân; trên cơ ấy, mỗi cá nhân sẽ có thêm động lực, sẽ ý thức hơn trách nhiệm của mình từ đó sẽ tạo ra niềm vui mới cho cộng đồng và xã hội.
Trong ý nghĩa này, mục tiêu của GD nói như nhà bác học Einstein là: "Mục tiêu của nhà trường là đào tạo nên những cá nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời"[3].
Không nên đổ lỗi cho thế hệ trẻ
Trở lại bài viết "Biết yêu gia đình..." của nhà văn Nguyễn Quang Thân trên báo Tuổi trẻ, theo đó tác giả cho rằng: "Điều lạ lùng mà cũng là sự thật là không ít người trong lớp trẻ ngày nay bỗng cảm thấy gia đình quá chật chội, gia đình luôn mâu thuẫn với tuổi teen và khuynh hướng muốn sớm thoát khỏi sự kiềm tỏa của gia đình càng sớm càng tốt.
Họ sớm yêu đương và cũng sớm chán gia đình. Họ muốn nương tựa vào bạn bè hơn cha mẹ, muốn chìm đắm sâu vào thế giới ảo của các loại game độc hại. Nói cách khác, gia đình không còn là tổ ấm đầy trìu mến khi gần và thương nhớ khi xa. Tình yêu gia đình, nghĩa là tình yêu ông bà, bố mẹ, anh chị em, họ hàng, rộng hơn chút là bà con quê hương lối xóm, dần phai nhạt.
Những sợi dây trói tinh thần truyền thống xưa nay vẫn giữ chân tay những thiên thần tuổi nhỏ thừa năng động và thiếu khôn ngoan, dễ bất trắc trong quỹ đạo luân lý, đạo đức như danh dự gia đình, dòng họ đang bị đứt từng mảng một..."
Phải thừa nhận vấn đề mà nhà văn Nguyễn Quang Thân đề cập là một thực tế đang diễn ra trong xã hội ta hiện nay. Tuy nhiên, đi đến khẳng định "gia đình không còn là tổ ấm đầy trìu mến khi gần và thương nhớ khi xa. Tình yêu gia đình, nghĩa là tình yêu ông bà, bố mẹ, anh chị em, họ hàng, rộng hơn chút là bà con quê hương lối xóm, dần phai nhạt" thì có gì đó hơi chủ quan và phiến diện.
Bởi lẽ, một người trẻ nào đó có suy nghĩ thoát ly khỏi gia đình, "nương tựa vào bạn bè hơn cha mẹ" để sống một cuộc sống tự lập thì đó là quyền cá nhân của họ, có gì là sai? Hơn nữa cũng không thể nói rằng ai đó "thoát khỏi sự kiềm tỏa của gia đình" thì tình yêu của họ dành cho gia đình sẽ phai nhạt hay thậm chí không còn nữa.
Ngoài ra cũng cần thấy rằng, sở dĩ giới trẻ hiện nay có xu hướng muốn"thoát khỏi sự kiềm tỏa gia đình"; hay cảm thấy gia đình là "chật chội"... phần nhiều rơi vào trường hợp mà ở đó"gia đình không còn là tổ ấm", không còn là "gia đình" với đúng nghĩa của hai từ này nữa.
Nói cách khác, những gia đình mà phần nhiều cha mẹ suốt ngày chỉ lo làm giàu, lo tính toán các mánh lới làm ăn. Hoặc là gia đình mà cha mẹ đã ly tán, không quan tâm gì đến con cái. Hoặc những gia đình mà ông bà, cha mẹ lúc nào cũng "độc quyền chân lý", mọi nhất cử nhất động của con cái đều phải đặt dưới sự giám sát rất nghiêm ngặt và bảo thủ. Họ can thiệp vào tất cả mọi vấn đề dù là nhỏ nhất của con cái...
Chính những việc làm này đã vô tình đã thủ tiêu quyền tự do cá nhân của các bạn trẻ... Với những gia đình như vậy, thử hỏi những người trẻ "có chán", có nên "thoát ly" không, có nên thông cảm cho họ không?
Một vấn đề nữa, nếu như chúng ta nhìn vấn đề này trong sự so sánh với các nước tiên tiến trên thế giới (các nước phương Tây) sẽ thấy tại sao những người trẻ ở đây có xu hướng "thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của gia đình", thoát khỏi cha mẹ để sống một cuộc sống tự lập từ rất sớm? Tại sao những bậc làm cha làm mẹ ở các nước ấy cũng không muốn con cái họ cứ suốt ngày ru rú trong nhà?
Và đặc biệt họ ít khi quyết định thay hay can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư khi con cái đến tuổi trưởng thành...? Câu trả lời là, ngoài những yếu tố văn hóa bản địa thì vấn đề liên quan đến quyền tự do và vai trò của con người cá nhân ở các nước ấy rất được coi trọng.
Như vậy có thể thấy, những vấn đề mà nhà văn Nguyễn Quang Thân nêu ra trong bài viết trên nếu có đi chăng nữa thì suy cho lỗi này không phải do những người trẻ không biết hay không còn yêu gia đình mà là lỗi chung - "lỗi hệ thống" của xã hội mà ở đó định kiến về quyền tự do cũng như vai trò của con người cá nhân còn quá nặng nề; chưa được khơi thông, chưa được giải phóng.
Qua đây, một lần nữa có thể nói, nếu như ngay từ đầu GD làm tốt sứ mệnh giúp thế hệ trẻ trước hết biết yêu thương bản thân và sống có trách nhiệm trước hết với cuộc đời mình thì cho dù sau này họ có sống ở môi trường nào đi nữa cũng không có gì phải lo sợ. Và cũng không có gì phải lo sợ cho tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc của những người trẻ. Nếu như GD làm tốt sứ mạng đánh thức giá trị của mỗi cá nhân; giúp mỗi cá nhân nhận ra quyền và bổn phận làm người của họ trong cuộc đời.
Nguyễn Trọng Bình
-------------------------
Chú thích nguồn dẫn:
[1], [3]: "Albert. Einstein - Thế giới như tôi thấy". NXB Tri thức, 2011
[2]: Ayn Rand - The Fountainhead (Suối ngồn). Nhà xuất bản Trẻ, 2011