“Suốt hai tháng qua, gia đình tôi quá ám ảnh với các quảng cáo thuốc đông y. Chưa xét đến thuốc có hiệu quả hay hợp pháp hay không, nội dung của họ đã khiến tôi mất lòng tin vào quảng cáo trên YouTube”, Phúc Tân, giáo viên cấp 2 một trường thuộc tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia y học cổ truyền lại cho rằng việc quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng xã hội hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
"Thuốc chất lượng không quảng cáo kiểu như vậy"
“Xem qua hình thức trình bày của các mẩu quảng cáo, tôi nghi ngờ về uy tín của các cơ sở này. Những đơn vị chất lượng thật sự như các bệnh viện, nhà sản xuất thuốc lớn, có chuyên môn sẽ không truyền thông kiểu như vậy”, Trần Quốc Thúc, Phó chủ tịch Hội Đông Y quận 1, TP.HCM chia sẻ.
Quảng cáo thuốc chữa bệnh tràn lan trên YouTube. |
Theo ông Thúc, sản phẩm trong các quảng cáo “ba đời nhà tôi nhận chữa dứt điểm” thuộc danh mục thuốc kê đơn. “Thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa dứt điểm”, ông Thúc chia sẻ.
Cũng theo ông Thúc, quảng cáo thuốc là loại hình kinh doanh đặc thù, cần sự cho phép của Cục Quản lý Dược. “Những nội dung quảng cáo ‘ba đời nhà tôi trị dứt điểm’ có thể chưa được Cục cấp phép bởi quá trình phê duyệt không chấp nhận những nội dung phản cảm như vậy”, ông Thúc nói thêm.
Không chỉ cơ quan chức năng siết chặt những quảng cáo thuốc, chính sách của YouTube cũng xem trọng việc này.
Google cấm nhưng vẫn nhận tiền quảng cáo thuốc tại Việt Nam
Trả lời Zing, đại diện Google cho biết mạng xã hội YouTube có chính sách nghiêm ngặt về chăm sóc sức khỏe và thuốc. “Khi phát hiện thấy những quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ chúng”, đại diện YouTube cho biết.
Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên website của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam.
Các sản phẩm thuốc chữa bệnh bị YouTube cấm quảng cáo tại Việt Nam. |
“Một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không được phép quảng cáo. Trong khi các nội dung khác chỉ được quảng cáo nếu được chứng nhận với Google và chỉ nhắm mục tiêu đến các quốc gia được chấp thuận”, chính sách Google viết.
Theo đó, thuốc kê đơn chỉ được phép quảng cáo ở Canada, New Zealand, Mỹ. Thuốc không kê đơn chỉ được quảng cáo ở hơn 20 quốc gia, không có Việt Nam.
“Các nhà sản xuất thuốc số lượng lớn, nhà cung cấp y tế chuyên nghiệp và nhà cung cấp kháng thể/peptit/hợp chất cho phòng thí nghiệm thương mại chỉ có thể quảng cáo ở Canada và Mỹ”, chính sách YouTube viết.
Như vậy, Việt Nam nằm ngoài danh sách quốc gia được Google cho phép quảng cáo thuốc. Thế nhưng, quảng cáo “ba đời nhà tôi nhận chữa” vẫn ngày ngày xuất hiện trên ứng dụng YouTube từ TV, máy tính đến cả smartphone của người dùng Việt.
YouTube làm gì khi thấy quảng cáo bẩn?
Theo Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. “Nếu phát hiện thấy các lỗi vi phạm chính sách này, chúng tôi sẽ tạm ngưng tài khoản Google Ads của bạn ngay khi phát hiện và không có cảnh báo trước, đồng thời bạn sẽ không được phép quảng cáo với chúng tôi nữa”, chính sách Google viết.
Nhưng trên thực tế, suốt nhiều tháng, nội dung quảng cáo thuốc đông y vẫn tồn tại nhan nhản trên YouTube.
Dù cấm quảng cáo thuốc nhưng YouTube vẫn hiển thị nội dung này tại Việt Nam. |
“Khóa tài khoản này, họ lại tạo tài khoản khác thôi. Việc tạo hoặc mua lại tài khoản Google Ads không phải khó. Đồng thời, giới bán thuốc đông y làm việc theo kiểu ăn xổi, họ sẵn sàng bỏ tài khoản vì biên độ lợi nhuận rất lớn”, Quang Vinh, quản trị viên diễn đàn nhà sáng tạo nội dung YouTube với hơn 200.000 thành viên chia sẻ.
“Khóa tài khoản này, họ lại tạo tài khoản khác thôi. Việc tạo hoặc mua lại tài khoản Google Ads không phải khó", Quang Vinh, quản trị viên diễn đàn nhà sáng tạo nội dung YouTube
“Bằng một số thủ thuật giả mạo giấy phép, những video quảng cáo loại thuốc này được YouTube phê duyệt để hiển thị. Đương nhiên, khi bị cấm ở nhiều nền tảng nhưng lại được YouTube cho phép chạy quảng cáo, những đơn vị này sẽ chi toàn bộ ngân sách cho YouTube”, ông Vinh nói thêm.
Theo đó, giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt. “Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác”, ông Vinh cho biết.
Quảng cáo thuốc đông y có vi phạm pháp luật?
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty luật Phan Law, hiện nay pháp luật Việt Nam đặt ra điều kiện để quản lý hoạt động quảng cáo thuốc đến công chúng thông qua các phương tiện quảng cáo. Có 2 mục gồm điều kiện đối với thuốc và điều kiện đối với chủ thể được phép quảng cáo thuốc thuộc Khoản 2 Điều 79 Luật Dược 2016.
Thế nhưng, những nội dung quảng cáo thuốc trên YouTube lại được các chuyên gia trong ngành nhận định là chưa đạt chuẩn, nói quá công dụng của sản phẩm.
Quảng cáo chữa bệnh ung thư xuất hiện tràn lan trên Internet. |
Trao đổi với Zing, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.
"Hiện nay, có một số trang mạng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của tôi để cắt ghép vào video quảng cáo không đúng khiến rất nhiều người hiểu nhầm. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang", GS.TS Trương Việt Bình chia sẻ.
Khoản 2 Điều 79 Luật Dược 2016 có quy định các điều kiện đối với thuốc được quảng cáo như sau:
- Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn
- Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.
Điều kiện về chủ thể đứng tên trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc được quy định tại Điều 119 Nghị định 54/2017/NĐ-CP như sau:
- Cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam
- Văn phòng đại diện tại Việt Nam của chính cơ sở nước ngoài đăng ký thuốc tại Việt Nam và được cơ sở này ủy quyền
- Cơ sở kinh doanh dược của Việt Nam được cơ sở Cơ sở đăng ký thuốc tại Việt Nam ủy quyền.
Khi đáp ứng được đủ điều kiện về thuốc và chủ thể nêu trên, các chủ thể kinh doanh thuốc cần phải thực hiện thủ tục đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc tại Bộ Y tế để được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc.
Sau khi có giấy xác nhận nội dung thì mới có thể quảng cáo thuốc đến công chúng thông qua các phương tiện quảng cáo.
Đồng thời, cần lưu ý rằng việc quảng cáo thuốc phải được thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và theo quy định của pháp luật, nếu không sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Zing)
Vì sao quảng cáo 'nhà tôi ba đời nhận chữa' tràn lan trên YouTube?
Dễ dàng trong kiểm duyệt quảng cáo cùng những kẽ hở thanh toán khiến YouTube trở thành nơi lý tưởng để quảng cáo thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc.