Trong báo cáo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Chính phủ nhấn mạnh, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy hiệu quả.

162 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm kê khai tài sản, thu nhập

Cụ thể, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từng bước đi vào nề nếp.  Việc xác minh theo kế hoạch hằng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là bước đột phá, yếu tố quan trọng, cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Chính phủ cho biết, trong 10 năm, đã có hơn 8.280.169 lượt người kê khai, việc thực hiện kê khai đúng thời hạn đạt 99,5%; công khai đạt tỷ lệ 93,03%. Các bộ, ngành, địa phương đã xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với 7.914 người; 162 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, nhiều quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách cũng được Chính phủ ban hành, với xu hướng “ngày càng chặt chẽ hơn”.

Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng chống tham nhũng được nâng lên.

Chính phủ nêu con số, trong 10 năm đã có 1.141 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Một giải pháp phòng ngừa khác cũng được Chính phủ quan tâm là các quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và xử lý hành vi vi phạm đã được ban hành và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng kết từ năm 2009 đến năm 2020 cho thấy, có 646 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,8 tỷ đồng.

Xử lý 4.971 cán bộ, công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Ngoài ra, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đã được ban hành. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ được tăng cường.

Trong kỳ báo cáo, đã có 102.799 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra, qua đó, đã xử lý 4.971 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chức, công vụ được tăng cường có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt trong tuyển dụng, bổ nhiệm.

Cụ thể, từ 2017-2019, ngành Nội vụ tiến hành hơn 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm, quản lý biên chế, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, khen thưởng...

Qua đó, kiến nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND thu hồi 252 quyết định tuyển dụng; 271 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm; 118 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp sai quy định.

Việc xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kể cả khi nghỉ hưu trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ việc cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu chung nhằm nâng cao thu nhập, đảm bảo cải thiện cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước.

Chế độ phụ cấp, hệ số tiền lương tăng thêm đối với một số ngành, nghề đặc thù như: Công an, Quân đội, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán gắn với khoán kinh phí quản lý và nguồn thu.

Từ năm 2016 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã 4 lần điều chỉnh tăng lương cơ sở. Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xây dựng thông tư quy định về vị trí việc làm cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động.