Tháng 4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 34 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Nhiều nội dung quan trọng đã được nêu ra. Tuy nhiên, nội dung mới mang tính đột phá là khi cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín thì sẽ phải miễn nhiệm, từ chức và trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh cuộc họp của Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN

Từ lâu trách nhiệm của người đứng đầu tuy được nhắc đến nhiều vẫn chưa được cụ thể hoá một cách chặt chẽ. Vì thế, tiêu cực tham nhũng xảy ra ở đơn vị mình, ngành mình nhưng không ai chịu trách nhiệm. Một thời gian dài, nhiều bộ ngành số vụ tham nhũng tiêu cực, số cán bộ phải vào vòng lao lý nhiều nhưng chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu. Có những bộ, ngành mà những yếu kém, tiêu cực cho đến nay vẫn chưa xử lý xong. Những dự án, công trình, nhà máy... thua lỗ kéo dài gây thất thoát tiền của của nhà nước. Những vụ chuyển đổi đất, thu hồi đất sai phạm gây thất thoát ngân sách, làm hàng nghìn người lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất" khiếu kiện kéo dài vẫn chưa được quy trách nhiệm.

Gần đây, khi trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải cá thể hoá trách nhiệm. Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành vào đầu năm (12/1) ông nhấn mạnh: "Phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; phát hiện, giải quyết các hạn chế, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch; phát hiện, biểu dương bảo vệ, khuyến khích những cách làm mới, cách làm hay, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Cá thể hoá trách nhiệm hay như kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu là cách tiếp cận khoa học và đúng đắn. Nó đã loại bỏ được cách nghĩ, cách làm kiểu "cha chung không ai khóc" hay sai phạm của "tập thể". 

Cơ chế quyền lực tập trung, tập thể lãnh đạo là đúng đắn do phát huy được trí tuệ tập thể. Nhưng từ lâu Đảng cũng đã nêu rõ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Vì thế, khi cấp dưới có sai phạm, cấp trên lại trốn tránh trách nhiệm và viện lý do của tập thể là khó có thể chấp nhận. Việc cá thể hoá trách nhiệm hay trách nhiệm của người đứng đầu là một bước tiến trên con đường phát huy năng lực thực sự của cán bộ.

Người đứng đầu phải có tư duy sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Mọi thắng lợi hay thất bại người đứng đầu đều có vai trò quyết định.  Và trong kết luận được cụ thể hoá là miễn nhiệm, từ chức.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ lâu, họ đã có những quy định rất rõ ràng và chặt chẽ. Vấn đề từ chức đã trở thành văn hoá- đạo đức. Một vụ việc ở bộ mình, ngành mình họ sẵn sàng nhận trách nhiệm và xin từ chức.

Ngày nay, hiện tượng này đã dường như trở thành một phần không thể thiếu cho bất kỳ nền chính trị nào, thậm chí nó đã xuất hiện ở những nơi tưởng chừng như không bao giờ người ta được từ chức như trường hợp từ chức của Giáo hoàng Benedict hay Nhật hoàng Akihito. 

Trước đó, trong Quyết định 41 (3/11/2021) của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ việc từ chức và xin từ chức. Và Kết luận 34 đã nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính là cơ sở, là căn cứ để xem xét trách nhiệm. Nhiều cơ sở cho thấy sẽ không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm hoặc "vô can" khi bộ mình, ngành mình có nhiều vụ việc sai phạm, kể cả chuyện cấp dưới làm sai. 

Cá thể hoá trách nhiệm còn đồng nghĩa với việc trao quyền hạn một cách thực chất để không thể đùn đẩy trách nhiệm. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu phải sâu sát, tỉ mỉ và có những quyết định đúng đắn cũng như sự giám sát chặt chẽ đối với cấp dưới.  

Bên cạnh đó, việc cán bộ, đảng viên làm sai cũng được Đảng nhấn mạnh. Đó chính là việc tự giác nhận trách nhiệm khi có những sai phạm, tham nhũng phải từ chức hoặc bị miễn nhiệm.

Việc Đảng ta luôn chủ động bám sát thực tiễn và có những quy định luôn sát đúng là phù hợp với sự phát triển. Suy cho cùng sự phát triển luôn phụ thuộc vào sự đánh giá và bố trí cán bộ. Sự thanh lọc qua thực tiễn đồng thời cũng phát hiện nhân tố mới là nền tảng để đất nước phát triển, để Đảng thực sự là ngọn cờ, là "người đầy tớ trung thành của nhân dân".

Nguyễn Đăng Tấn

Kiểm tra, giám sát việc miễn nhiệm, từ chức khi xảy ra tham nhũng, tiêu cựcBộ Chính trị yêu cầu kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.