Quyết tâm cấm xe máy

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Hoàng Trung Hải, ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND thành phố đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Theo ông Viện, nếu cấm được xe máy càng sớm sẽ càng tốt.

Kế hoạch dừng hoạt động xe máy tại Hà Nội, đến nay đã trở thành quyết tâm lớn của các cơ quan chức năng thành phố, với mục đích tốt đẹp là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là kế hoạch dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030 có khả thi?

Năm 2017, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đã tiến hành lấy ý kiến người dân về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, với 15.337 phiếu, phát trên toàn thành phố. Kết quả ủng hộ khá cao, cụ thể có tới 84% số người tham gia khảo sát, đồng ý với các chính sách về tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện cá nhân, vì tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

{keywords}
TP.Hà Nội quyết tâm lên kế hoạch cấm xe máy, vì coi đây là thủ phạm gây TNGT, ô nhiễm môi trường và tắc đường.

Tuy nhiên, có 90,35% số người trong nhóm ủng hộ cho rằng, phải có các điều kiện đi kèm như: hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, có giá vé phù hợp, cự ly tiếp cận gần, thời gian chờ ngắn, đúng lịch trình, an toàn và tiện nghi...

Vận tải công cộng sẽ quá tải

Liệu đến năm 2030 Hà Nội có đáp ứng được đòi hỏi này? Theo Quy hoạch về giao thông vận tải của thành phố Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng từ 20%-25% nhu cầu đi lại, đến năm 2025 đáp ứng từ 27%-31% và đến năm 2030 đáp ứng từ 35%-40%, còn lại từ 60%-65% là vận tải cá nhân.

Để đáp ứng được năng lực vận tải từ 35%-40% vào năm 2030 mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội bao gồm: Xe buýt 3.500 chiếc, vận chuyển 1.814 triệu lượt khách/năm, với 220-250 tuyến; Xe buýt nhanh (BRT) thêm 7 tuyến  mở mới; Đường sắt đô thị thêm 9 đoạn tuyến và tàu điện 1 ray (Monorail) hoàn thiện đủ 3 tuyến.

{keywords}
Vận tải hành khách công cộng của Hà Nội mới chỉ có xe buýt đảm nhận, trong đó có 1 tuyến BRT, đường sắt đô thị sắp tới đưa vào hoạt động 2 tuyến.

Hiện nay, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội mới chỉ có xe buýt đảm nhận, trong đó có 1 tuyến BRT, đường sắt đô thị sắp tới đưa vào hoạt động 2 tuyến. Liệu sau 12 năm nữa, kế hoạch phát triển vận tải công cộng như trên có thể hoàn thành? Đặc biệt là với 9 đoạn tuyến đường sắt đô thị và tàu 3 tuyến tàu điện 1 ray, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, khó đáp ứng.

Cho dù có thực hiện đạt kế hoạch với hệ thống giao thông công cộng kể trên, vận tải cá nhân vẫn chiếm từ 60%- 65% vào năm 2030. Câu hỏi đặt ra: với tỷ lệ như vậy, nếu dừng hoạt động xe máy trong nội thành, thì vận tải hành khách công cộng có đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân?

Năm 2017, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã xây dựng Đề án: “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”. Đề án này đã được HĐND thành phố thông qua.

Trong Đề án, Sở Giao thông Vận tải đưa ra mục tiêu: tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng, để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm, đến năm 2020 đạt từ 30%-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng từ 50%-55%. Tuy nhiên, đến nay vận tải hành khách công cộng nội đô mới chỉ đạt 15% và tính tới năm 2020 sẽ vào khoảng 20%, chắc chắn không hoàn thành mục tiêu đề ra. Còn tới năm 2030 đạt từ 50-55% là điều khó khả thi.

{keywords}
Những hạn chế của hệ thống vận tải công cộng hiện nay khó khắc phục.

Đó là chưa kể những hạn chế của hệ thống vận tải công cộng hiện nay khó khắc phục, như chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, hệ thống bến, bãi đỗ xe vẫn còn thiếu, phân bố chưa phù hợp, qũy đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn, nên việc triển khai chậm, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ…

Mặt trái của cấm xe máy

Năm 2018, Trường Đại học Việt - Đức đã tiến hành nghiên cứu về: “Vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai ở Việt Nam”. Kết quả chỉ ra rằng, hệ thống đường bộ và giao thông công cộng tại Hà Nội khá yếu kém. Xét về bình quân chiều dài đường bộ/ha đất đô thị, tại Seoul (Hàn Quốc) là 2.000m/ha, Tokyo (Nhật Bản) khoảng 1.800m/ha, Jakarta (Indonesia) 1.500m/ha, Quảng Châu (Trung Quốc) 1.000m/ha, còn Hà Nội chỉ có 500m/ha.

{keywords}
Lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội thành Hà Nội vào năm 2030 là quá nóng vội.

Tính số xe buýt/1 triệu dân thì BangKok (Thái Lan) và Jakarta có 1.500 xe buýt/ triệu dân, Quảng Châu và Seoul khoảng 1.000 xe/triệu dân, trong khi Hà Nội mới ở mức 300 xe/ triệu dân.

Tính về chiều dài đường sắt đô thị, Tokyo có hơn 80 km/triệu dân, Seoul hơn 40 km/triệu dân, Quảng Châu 30 km/triệu dân, còn Hà Nội với 2 tuyến sắp đi vào hoạt động, có tổng chiều dài 30km, tính cho khoảng 10 triệu dân, thì con số này quá nhỏ.

Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và giao thông công cộng phát triển chậm, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các thành phố châu Á khác. Với tốc độ phát triển hạ tầng như hiện nay, từ 15-20 năm tới, các thành phố Hà Nội, HCM vẫn có hệ thống đường bộ và giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận.

So sánh với Quảng Châu, thành phố đã cấm xe máy thành công, cho thấy, khi cấm xe máy chỉ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại, còn giao thông công cộng đáp ứng 46% với 5 tuyến tầu điện ngầm và 480 tuyến xe búyt hoạt động. Tuy nhiên, mặt trái của việc cấm xe máy đã dẫn đến số lượng ô tô tăng nhanh. Năm 2014 Quảng Châu là một trong 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới và là một trong 10 thành phố tắc nghẽn giao thông nhất châu Á.

Với Hà Nội, hiện giao thông cá nhân chiếm tới hơn 80%, trong đó xe máy chiếm hơn 70%, việc dừng hoạt động đối với xe máy, thực sự là vấn đề không hề dễ dàng, nhất là khi giao thông công cộng phát triển chậm, hạ tầng yếu kém.

Ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, bản chất của việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành là để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng sống, chứ không phải gây thêm khó khăn, phiền phức cho người dân.

Vì vậy, lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội thành Hà Nội vào năm 2030 là quá nóng vội. Kế hoạch dừng hoạt động xe máy tại nội thành, phải gắn với sự phát triển của giao thông công cộng, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông. Gắn vào thời hạn 2030 là không có căn cứ.

Trần Thủy