Chiều ngày 24/11, Cục An toàn thực phẩm tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 10 tháng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Cục An toàn thực phẩm báo cáo về tình hình ngộ độc thực phẩm và công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm. Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 77 vụ ngộ độc thực phẩm, với số ca mắc là 1.900 người. Các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu do căn nguyên từ yếu tố tự nhiên (26 vụ), do vi sinh vật (29 vụ), do hóa chất (3 vụ).
So với cùng kỳ năm 2020 đã giảm 43 vụ với hơn 500 người mắc. Các chỉ tiêu khác như số người phải nhập viện điều trị, số trường hợp tử vong cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên người dân vẫn cần cẩn trọng trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm. Đáng lưu ý nhất là các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc do ăn phải nấm độc, rau rừng, ăn côn trùng…
5 công nhân tại Hoà Bình phải nhập viện, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh sau khi uống rượu ngâm củ giống nhân sâm (Ảnh: Công Tình) |
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân không sử dụng các thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc.
Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ. Bên cạnh đó, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh. Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào một số nội dung, như: Giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh, thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; đồng thời, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc do độc tố tự nhiên, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm…
Tại hội nghị, Cục cho biết thêm, việc tăng cường công tác truyền thông giáo dục, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương và địa phương đã tiến hành kiểm tra 342.621 cơ sở thực phẩm, phát hiện 39.563 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm hoặc tập huấn không đầy đủ; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng vẫn còn tồn tại.
Thúy Hạnh