A Lưới là địa phương biên giới, xã chọn phát triển kinh tế theo hướng mũi nhọn là trồng rừng và chăn nuôi. Từ khi bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng.

Sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn huyện đạt 240 tiêu chí/17 xã, bình quân 14,12 tiêu chí/xã; thôn đạt NTM kiểu mẫu 3 thôn; thôn, bản đặc biệt khó khăn xây dựng NTM 14/66 thôn, đạt 21,21%; giữ vững 4 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015 - 2020.

Một trong những nguyên nhân “trở lực” cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại huyện miền núi A Lưới là địa hình đồi núi còn hiểm trở, các địa phương xa trung tâm thành thị nên việc vận chuyển hàng hóa chưa thuận tiện. Đầu tư kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ dân sinh, sản xuất được xem là giải pháp ưu tiên trong tiến trình xây dựng NTM hiện nay.

W-minhhoa.png
Trường mầm non A Ngo, huyện A Lưới

Những dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện được quan tâm đầu tư từ nguồn vốn các CTMTQG trong thời gian qua có thể kể đến như làng văn hóa truyền thống các DTTS huyện A Lưới; nâng cấp tuyến đường Khe Bùn từ xã Hồng Kim đến xã Hồng Thượng; đường giao thông liên xã từ xã Phú Vinh đi xã Hồng Thượng; kè sông Tà Rình đoạn Quảng Nhâm, Hồng Kim, Hồng Bắc; nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Nơ Trang Lơng, đường Konh Hư (giai đoạn 2); dự án Quy hoạch sắp xếp bố trí ổn định dân cư xã Quảng Nhâm ...

Kết cấu hạ tầng và đô thị đã được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông như đường nội thị A Lưới, nâng cấp hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng khu vực đô thị, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới bưu chính viễn thông và các công trình phúc lợi khác đang được đầu tư. Đến nay có 100% đường liên xã và 85% đường liên thôn đã được cứng hóa.

A Lưới đã triển khai các chính sách, dự án giảm nghèo như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo. Kịp thời cấp kinh phí hơn 79,7 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho 1.577 hộ thuộc đối tượng theo Quyết định số 90/QĐ-TTg và Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện các công trình đang triển khai đúng tiến độ và dự kiến đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành và giải ngân hết nguồn vốn.

Theo UBND huyện A Lưới, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm so với đầu nhiệm kỳ. Qua rà soát cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%. Năm 2022, công tác giảm nghèo bước đầu đạt được những kết quả rất tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra. Số hộ nghèo toàn huyện còn lại 5.399 hộ, chiếm 38,2%. Cuối năm 2023 qua rà soát đã giảm 1.914 hộ nghèo, vượt 206 hộ so với kế hoạch đề ra. Qua 2 năm đã giảm 3.537 hộ nghèo, giảm 25,58%. Đến nay, còn lại 3.485 hộ nghèo, tỷ lệ còn 24,4%; 2.253 hộ cận nghèo, tỷ lệ 15,65%.

Để huyện nhà đạt nhiều chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân trước hết phải thực hiện tốt các chỉ tiêu dễ đạt, cần góp sức của cả cộng đồng bằng việc tham gia các phong trào và cuộc vận động như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Trồng hoa đường làng, ngõ xóm và tại khuôn viên cơ quan công sở, xây dựng hộ gia đình”, “5 không 3 sạch”, “tuyến đường xanh - sạch - đẹp”... Cần nhận thức sâu sắc Chương trình MTQG xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc để từng ngày xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Huyện phấn đấu đến năm 2025 có thêm 04 xã đạt chuẩn Nông thôn mới là xã Quảng Nhâm, xã Lâm Đớt, xã Hồng Bắc và Hồng Hạ; các xã còn lại bình quân đạt từ 01 đến 02 tiêu chí/xã.