Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin Truyền thông đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thông tin trên mạng với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng.
Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn, gỡ trung bình đạt trên 93%.
Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội đồng phê”...
Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).
Hậu quả của việc tung tin sai lệch không chỉ gây thiệt hại về tài chính, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mà còn gây ra khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư. Đặc biệt, dễ tạo nên "hiệu ứng domino" lan sang nhiều lĩnh vực từ bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm... Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh cần kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những tổ chức, cá nhân tung tin thất thiệt nhằm xuyên tạc tình hình, nói xấu Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.
Vừa qua các cơ quan đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin giả, xấu độc từ 48 giờ rút xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ.
Tuy nhiên, hiện nay việc phạt đưa thông tin giả tại Việt Nam đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chỉ bằng 1/10. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên đủ sức răn đe, ít nhất ngang với mức trung bình trong khu vực.
Quốc Tiến, Bích Thủy, Hoài Thanh