Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay: Chúng tôi đã liên hệ với Cục hàng hải Việt Nam và được biết là Cục hàng hải Việt Nam đã nhận được thông tin từ thuyền viên trên tàu Viettin01 cho biết là các thuyền viên đã nhập tàu từ ngày 10/3 – 24/3 với mục đích là đưa tàu neo đậu tại khu vực eo Zoho, Malaysia về Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì các thuyền viên chưa được trả lương đúng hạn và chưa nhận được tiền ăn, chi phí phục vụ sinh hoạt từ ngày 26/5 đến nay.
Con tàu mà 12 thủy thủ Việt Nam mắc kẹt tại vùng biển Malaysia. Ảnh: Liên minh những người đi biển quốc gia Malaysia |
Các thuyền viên đã đề nghị công ty chủ tàu, công ty TNHH Thuận Thiên sớm trả lương, cung cấp tiền sinh hoạt và có kế hoạch đưa tàu về Việt Nam, tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết.
Sau khi nhận được thông tin nói trên từ Cục hàng hải Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên để tìm hiểu về vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân nếu cần thiết.
Bộ Ngoại giao đã đề nghị Cục hàng hải Việt Nam chỉ đạo công ty chủ tàu Vietin01 (tức công ty TNHH Thuận Thiên) khẩn trương thực hiện trách nhiệm theo đúng hợp đồng đã ký với các thuyền viên như trả lương, các chi phí sinh hoạt phát sinh do ở lại quá hạn trên tàu và hoàn thành các điều kiện của phía Malaysia để sớm đưa tàu về Việt Nam.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao Việt Nam và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia sẽ trao đổi với phía Malaysia về các thủ tục theo yêu cầu.
Theo thông tin đăng tải ngày 15/7 trên trang Free Malaysia Today (FMT), 12 thủy thủ người Việt sẽ sớm được cho hồi hương. Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur cho hay, phía Việt Nam đã liên lạc với thuyền trưởng Luong Quyet và nắm được tình hình cũng như nhu cầu của 12 thủy thủ. Phía Đại sứ quán sau đó đã bắt đầu chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới con tàu
Đại sứ quán Việt Nam cho biết sẽ sắp xếp chuyến bay hồi hương cho 12 công dân bị mắc kẹt.
Thành Nam
Bộ Ngoại giao phản ứng về tweet Biển Đông của bà Hoa Xuân Oánh
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.