Xem video:
Sáng 3/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, Việt Nam đang điều trị cho 242 bệnh nhân Covid-19 trên tổng số 621 ca mắc.
Tuy nhiên diễn biến dịch Covid-19 đợt mới có nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có 13 bệnh nhân đang nguy kịch (10 bệnh phải can thiệp ECMO và thở máy; 3 trường hợp đang phải thở oxy) và 21 trường hợp khác tiên lượng nặng.
Trong 10 bệnh nhân nguy kịch phải can thiệp ECMO, Bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị 5 ca, tại Bệnh viện Đà Nẵng có 4, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng 1 trường hợp.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Tuấn Dũng
2 trong số 3 trường hợp nặng hiện đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quảng Nam, trường hợp còn lại điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Theo PGS Khuê, diễn biến các bệnh nhân nặng thay đổi từng giờ, các y bác sĩ đang phải theo dõi sát từng chỉ số, cập nhật về trung tâm điều hành tại Bộ Y tế để các chuyên gia hội chẩn kịp thời.
Hiện tại, tất cả các bác sĩ giỏi nhất ở 2 đầu đất nước đã được huy động để điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hầu hết các trường hợp này là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền phức tạp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế vừa tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cử thêm các chuyên gia hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quảng Nam.
Bệnh viện Trung ương Quảng Nam hiện là cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Nam và một số tỉnh lân cận, trong đó có Đà Nẵng.
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế điều động lượng y bác sĩ lớn như vậy đến các bệnh viện miền Trung. Riêng tại Quảng Nam, đang có gần 40 y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cắm chốt tại đây, đảm nhiệm hoạt động hồi sức cấp cứu, ECMO, chạy thận…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh theo dõi sát tình hình diễn biến bệnh dịch Covid-19 để phát hiện mọi trường hợp nghi ngờ và các trường hợp đến từ các vùng có bệnh nhân mắc Covid-19, phân luồng, xử trí cách ly kịp thời.
Các bệnh viện thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Đến sáng 3/8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 621 ca mắc Covid-19. Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7, đến nay đã ghi nhận 206 ca mắc mới, trong đó có 174 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại 9 tỉnh.
Đông nhất là Đà Nẵng (119 ca), Quảng Nam (34), TP. HCM (8), Quảng Ngãi (5), Đắk Lắk (3), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Đồng Nai (1), Hà Nam (1). Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng.
Chỉ tính riêng ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng đến nay có 119 ca liên quan, trong đó có 9 nhân viên y tế.
Đến nay cả nước đã có 6 tử vong, gồm các bệnh nhân: 428, 437, 499, 475, 524 và 429. Đây đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kèm theo.
Ngành y tế đang dồn toàn lực cho 2 địa phương này cả về xét nghiệm, điều trị, điều tra dịch tễ để nhanh chóng khoanh vùng dịch trong cộng đồng.
Thúy Hạnh
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.
Các nước và vùng lãnh thổ chữa khỏi hết bệnh nhân Covid-19
Những nơi ít dân cư, nằm biệt lập ngoài biển dễ đối phó với dịch hơn, giảm thiểu số người mắc và tử vong.