Theo thống kê của UBND huyện Xuyên Mộc, hiện toàn huyện có hơn 1.290 tấn nhãn xuồng cơm vàng và 100 tấn nhãn quế chưa tìm được nguồn tiêu thụ. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ nhãn trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn.
Giá bán còn 1/3 vẫn không ai mua
Theo phản ánh của người dân Xuyên Mộc, nhãn xuồng cơm vàng đang vào mùa thu hoạch nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến mặt hàng đang bị “mắc kẹt”. Giá nhãn xuồng cơm vàng xuống thấp chỉ còn 15.000 đồng/kg; còn nhãn quế thì có giá 8.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.
Ông Trần Văn Xuyên (ngụ ấp Phú Lâm, xã Hoà Hiệp) cho biết, cả người trồng nhãn và thương lái đều gặp rất nhiều khó khăn về vận chuyển, thu mua và tìm nguồn tiêu thụ nhãn.
Hiện nay, trên địa bàn ấp Phú Lâm có hơn 300 ha nhãn vào mùa thu hoạch, nhưng do ở địa phương, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết số nhãn đang "treo" trên cây chờ thương lái đến mua. Từ đầu mùa đến nay, người dân ấp Phú Lâm chỉ bán được khoảng 100 tấn nhãn, còn lại hơn 400 tấn đang mắc kẹt, khả năng cao là người dân không thu hoạch do không tìm được đầu ra.
Cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Xuyên, ông Lê Văn Nhàn (ngụ ấp Phú Lâm, xã Phú Hiệp) xót xa nói rằng vốn liếng của gia đình dồn hết vào vườn nhãn. Hiện tại, vườn có hơn 10 tấn nhãn cần bán đi nhưng giá xuống quá thấp, nếu chấp nhận bán thì xem như lỗ đứt. Để cầm cự, mỗi ngày ông Đông chỉ bán đi một ít số nhãn trong vườn nhằm lấy chút tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.
"Tôi có liên hệ nhiều thương lái tới mua nhưng tình hình không cải thiện. Trong vùng này có nhiều nhà cũng giống tôi, chỉ biết khóc ròng chờcho dịch bệnh qua đi để kêu gọi "giải cứu" bớt số nhãn còn tồn đọng trong vườn", ông Đông kể.
Thương lái cũng gặp khó
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, thương lái chuyên mua trái cây cho biết việc thu mua và vận chuyển nhãn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân công, chi phí chuyên chở cao. Đầu tiên là không đủ nhận lực, tiếp nữa là chi phí vận chuyển quá cao. Việc vận chuyển và làm thủ tục tại các chốt kiểm soát dịch rất tốn thời gian.
Đặc biệt, cả nông dân và thương lái đều hạn chế tiếp xúc với nhau, có nhiều nhà vườn khi thấy thương lái đến thu mua thì sợ lây nhiễm bệnh nên từ chối bán, chấp nhận thiệt hại.
Cũng như bà Hồng, chị Nguyễn Thị Thu Phượng ở huyện Xuyên Mộc cho biết, ngoài chi phí vận chuyển, các điểm thu mua nhãn tại thành phố thường xuyên ép giá khiến “thương lái nhà vườn” như chị nản chí, không muốn mua bán gì thêm.
“Vừa rồi, tôi cũng đi giải cứu thanh long, nhưng thương lái ở TP.HCM trả giá quá thấp nên mấy tấn thanh long cuối cùng cũng chỉ cho bò ăn chứ không bán được. Bây giờ kêu giải cứu thêm nhãn mà chịu lỗ thì tôi không làm được", chị Phượng nói.
Liên quan đến thực trạng trên, chiều 23/7, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc ký văn bản gửi Hội Nông dân, Sở NN&PTNT và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đề nghị hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ số trái cây trên. Văn bản này nêu rõ các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ nhãn.
Trả lời VTC News, ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết: "Ngay sau khi địa phương kêu gọi các doanh nghiệp 'giải cứu' nông sản cho người dân, đã có một số hệ thống siêu thị trên địa bàn đồng ý thu mua. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này đều yêu cầu tiêu chuẩn hàng hoá cao, đa số vườn nhãn trên địa bàn không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế, đây là bài toán tương đối khó với địa phương".
Cũng theo ông Linh, hiện tại Hội nông dân huyện Xuyên Mộc vẫn đang tích cực tìm nhiều giải pháp hỗ trợ bà con. Dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều không ai mong muốn, phía Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc mong rằng bà con nông dân bình tĩnh, cùng tìm giải pháp tiêu thụ nhãn chứ không để rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài mà mất hết vốn liếng làm ăn.
(Theo VTC News)
Nhãn Hưng Yên vào vụ, ngàn nông hộ bán hàng lên sàn thương mại điện tử
Sau vụ vải Hải Dương và Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên chính thức lên sàn thương mại điện tử.