Theo đại diện của Bưu điện Việt Nam, bắt đầu từ 15/7, những trái nhãn Hưng Yên đầu tiên sẽ được chính thức bán trên sàn TMĐT Postmart.

Trước đó, để giúp nông dân Hưng Yên tiêu thụ vải theo một hình thức hoàn toàn mới trên môi trường số, ngay từ tháng 6/2021, Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng điều phối mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Bộ NN-PTNT) tổ chức tập huấn cho các hộ trồng nhãn cách bán hàng trên thương mại điện tử.

Các nhân viên bưu điện đã xuống trực tiếp các nhà vườn để hướng dẫn cụ thể từng người dân từ cách mở gian hàng, tối ưu hóa gian hàng, chụp ảnh sản phẩm, đăng bán sản phẩm, theo dõi đơn đến cách đóng gói, bảo quản, vận chuyển nhãn đi các tỉnh, thành phố,... Nông dân còn được hướng dẫn cách thức gói bọc, vận chuyển hàng hóa để sao cho đến tay người tiêu dùng đảm bảo tươi ngon nhất. 

{keywords}
Nông dân Hưng Yên được hướng dẫn bán nhãn trên sàn thương mại điện tử (Ảnh:Bảo Anh)

Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam cũng triển khai thêm hệ thống kho lạnh tăng cường cho những tỉnh, huyện cần trữ nông sản, đặc sản tươi và cung cấp triển khai thêm hệ thống kho sấy nhãn lớn. Sản phẩm nhãn khô sau khi đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế để tiến hành xuất khẩu.

Từ kinh nghiệm hỗ trợ người dân Bắc Giang tiêu thụ hơn 4.000 tấn vải thiều trong tháng 6 vừa qua, nhân viên bưu điện đã tư vấn, giải thích và đưa ra các phương án hỗ trợ cụ thể, xóa tan từng nỗi lo ngại của người dân xứ nhãn.

Hiện, đội ngũ nhân viên Bưu điện đã tiếp cận và phát triển được gần 400 nhà cung cấp là những hộ gia đình, hợp tác xã trồng nhãn tham gia bán hàng trên sàn Postmart. Không chỉ có trái nhãn tươi, mỗi nhà cung ấp còn có nhiều mặt hàng đưa lên sàn như: long nhãn, mật ong hoa nhãn, giấm nhãn, các chế phẩm khác từ nhãn.

Đại diện Bưu điện cho biết, việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử Postmart không chỉ nhằm tiêu thụ loại đặc sản mang tính mùa vụ mà Bưu điện Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Trước đó, sự đồng hành của các sàn thương mại điện tử và các hệ thống siêu thị cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trong Chương trình “Chung tay ủng hộ Vải Bắc Giang” đã giúp bà con, các hợp tác xã nhanh chóng tiếp cận với các hoạt động chuyển đổi số, dần hoàn thiện phương thức kinh doanh, phân phối đa kênh, đồng thời đảm bảo an toàn mua sắm.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh thành, tận dụng lợi thế của công nghệ, kết hợp phát triển thị trường thương mại điện tử.

Duy Anh

Chưa từng có: 4,6 triệu người truy cập, ngày chốt 37.000 đơn vải thiều

Chưa từng có: 4,6 triệu người truy cập, ngày chốt 37.000 đơn vải thiều

Có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Mỗi ngày, trên sàn Postmart và Voso có thể chốt 36.000-37.000 đơn. Đây là chuyện chưa từng có từ trước tới nay trên sàn thương mại điện tử Việt Nam.