18 y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân sau khi hết lòng cấp cứu cho một bệnh nhân đã ngừng tim.
“Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc”.
Đó là những lời bộc bạch của một người bác sĩ đã trải quả một ca phẫu thuật đặc biệt cho một bệnh nhân đặc biệt đã ngừng tim tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Và điều đáng nói là sau ca phẫu thuật này, bệnh nhân đã được hồi sinh nhưng 18 y, bác sĩ trong kíp cấp cứu, phẫu thuật có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân….
Ca bệnh đặc biệt
Gặp bệnh nhân N.T.H ngay tại buồng bệnh, người phụ nữ cao, làn da vẫn còn xanh tái nhưng nét mặt nhanh nhẹn dù mới trải qua trận sinh tử có 2 ngày khiến PV không khỏi ngạc nhiên.
Chị cho biết, chị nhiễm vi rút HIV sau khi lấy chồng. Chồng chị đã mất cách đây 11 năm cũng vì căn bệnh này. Ngày 4/7, chị cùng con trai 12 tuổi đi ôtô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối (Hưng Yên), chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị xỉu. Con trai chị vội gọi điện cho người thân và chị đã được đưa ngay vào Phòng Cấp cứu của BV Phụ sản Hà Nội.
Em chồng của bệnh nhân N.T.H cho biết, khi đưa vào viện, chị NTH ngất lịm, xanh tái, máu từ âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo. Chị nghĩ rằng chị dâu mình đã không thể qua khỏi. “Vào đến phòng cấp cứu, tôi thấy các bác sĩ chạy lao tới, chỉ 1, 2 phút sau, mấy chục bóng áo trắng, áo xanh khác chạy hối hả vào phòng. Tôi biết, tất cả bác sĩ đang trực tại viện được huy động để cứu chị”, em dâu của chị N.T.H kể lại.
BS. Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh cho biết, tình trạng bệnh nhân N.T.H khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch: thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Nếu chỉ chậm 1 - 2 phút là bệnh nhân sẽ không qua khỏi.
Ngay lập tức, bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.
Tử cung đã bị hoại tử, không thể bảo tồn. Nếu không cắt bỏ, khả năng bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết và tử vong là không tránh khỏi. Lượng máu trong người bệnh nhân đã kiệt. Trong quá trình phẫu thuật phải truyền tổng cộng 4 lít máu cho bệnh nhân.
BS. Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội thăm hỏi bệnh nhân NTH sau khi phẫu thuật. |
BS. Khải cho biết, đây là ca mổ cấp cứu đặc biệt, trong một trường hợp đặc biệt. Lúc đó, chúng tôi không còn thời gian để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật.
Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc.
Những bệnh nhân mang thai có HIVsẽ phải mổ đẻ, đó là điều bình thường với các bác sĩ, bởi trong viện có Khoa Truyền nhiễm dành cho những người mang HIV. Nhưng trường hợp bệnh nhân NTH nhập viện trong tình trạng tim đã ngừng đập, máu chảy không ngừng, sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc, BV đã phải huy động 18 y bác sĩ từ các khoa phòng xuống Phòng Cấp cứu để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Quá trình phẫu thuật diễn ra rất nhanh, sau phẫu thuật mới có kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân. Khi đó, 18 y bác sĩ mới biết rằng mình có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV.
Cứu người bằng bản năng thầy thuốc
Về nguy cơ nhiễm HIV của các y bác sĩ sau ca mổ, TS.BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, ca mổ của bệnh nhân NTH ngay trong Phòng Cấp cứu là trường hợp bất khả kháng. 18 y bác sĩ tham gia cấp cứu và phẫu thuật đã được BV xác định có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Các anh chị đã được BV làm xét nghiệm, lấy thuốc từ Trung tâm Phòng chống AIDS để cho uống kháng vi rút dự phòng. Trong 3 tháng và 6 tháng tiếp theo, BV sẽ thực hiện các xét nghiệm theo dõi định kỳ thì mới có kết luận chính xác có bị nhiễm HIV hay không.
Tuy nhiên, BS Ánh cũng đưa ra một điều cần rút kinh nghiệm đối với BV và với nhiều phòng khám cấp cứu ở các viện phụ sản khác đó là: Cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu vì sẽ có những trường hợp như trường hợp bệnh nhân NTH. Thường các BV chỉ để các bộ phòng hộ nhiễm HIV ở phòng phẫu thuật, chưa gặp trường hợp nào phải mổ ngay tại phòng khám.
Đối với phía gia đình bệnh nhân, nếu biết trước bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm nên báo ngay cho thầy thuốc khi vào viện, mặc dù kết quả xét nghiệm cũng sẽ có nhưng sẽ chậm hơn. Nếu biết được sớm, người thầy thuốc sẽ có sự phòng vệ cao hơn trong quá trình phẫu thuật, tránh rủi ro đáng tiếc cho họ.
Chị N.T.H đã được hồi sinh, mẹ chồng chị nắm mãi lấy tay người bác sĩ đã cứu chị qua cơn sinh tử và chỉ biết rơi những giọt nước mắt cảm ơn. Nghề cứu người thật hạnh phúc nhưng cũng thật hà khắc. Phải chờ đợi 6 tháng nữa, các y bác sĩ này mới có kết quả chính xác mình có bị nhiễm HIV hay không. Chưa thể nói trước được điều gì sẽ đến. Chỉ biết rằng, họ đã làm đúng với lời thề Hippocrates của ngành y.
(Theo Thanh Loan/Sức khỏe & Đời sống)