Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các ý kiến Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ NN&PTNT, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh.

Cụ thể là, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; xem đây là nhiệm vụ hàng đầu để tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài...

Ngư dân đã ý thức được việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản và có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục thẻ vàng của Châu Âu về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Bình Định cũng gặp một số tồn tại, hạn chế:

Tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài vẫn còn và chưa có dấu hiệu chấm dứt, còn diễn biến phức tạp (năm 2019: 19 tàu, năm 2020: 11 tàu, năm 2021: 16 tàu, năm 2022: 11 tàu, năm 2023: 4 tàu).

img 7562.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc

Bình Định có gần 40% tàu cá (khoảng 2.000 chiếc) hoạt động di chuyển ngư trường và thường xuyên hoạt động xuất nhập bến và về neo đậu ở các vùng biển phía Nam, có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng hàng năm không về địa phương nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền các quy định và quản lý tàu thuyền, xử lý vi phạm.

Công tác quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh còn bất cập, chưa giám sát được sản lượng của toàn bộ tàu thuyền cập cảng, nhất là tàu cá dưới 15m khai thác vùng lộng và vùng bờ.

Cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tuy đã được đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. Đặc biệt là các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, cảng cá hiện nay đã quá tải, thiếu một nguồn vốn rất lớn để đầu tư, xây dựng, cần có sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư, nâng cấp xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đạt chuẩn, đáp ứng phục vụ nhu cầu cho tàu cá trong tỉnh và khu vực.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết thêm, trong năm 2023, thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 4388/QĐ-UBND ngày 25/12/2022 và Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 14/3/2023 về việc Ban hành và điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch triển khai đợt cao điểm “180 ngày” ra quân, giải quyết dứt điểm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong đó, tập trung thực hiện 5 nội dung:

Một là, tiếp tục thông tin, tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU.

binh dinh la tinh co san luong danh bat ca ngu lon.jpg
Bình Định là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ lớn

Hai là, quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá;

Về quản lý đội tàu: Phải hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; Thường xuyên cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng;  Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo phân công trực 24/7 để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

Ba là, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác: Đảm bảo nguồn lực và hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ khâu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng, thẩm định dữ liệu với cơ sở dữ liệu tàu cá, dữ liệu giám sát hành trình, danh sách tàu cá IUU, đến hồ sơ kiểm soát tại các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bốn là, về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm: Ban hành Kế hoạch đợt cao điểm ra quân, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác IUU; tổ chức xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình quy định đặc biệt là xử lý tàu cá mất kết nối trên 10 ngày; tổng hợp, cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt hành vi khai thác IUU vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; tổ chức điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm là, kiện toàn tổ chức Bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác cho các Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra. Đặc biệt quan tâm củng cố lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp, theo đúng quy định. Bố trí đầy đủ kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các địa phương, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU...

 Lê Thị Diễm Phúc,Lã Thị Kiều Oanh, Trần Văn Thường, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Hoàng Hà