Trao đổi với phóng viên VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết cá nhân ông ủng hộ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành hướng dẫn nêu rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực. Hướng dẫn này có ý nghĩa thực tiễn, để toàn đảng, toàn dân căn cứ vào đó, phòng chống tiêu cực cho hiệu quả hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, khi có hướng dẫn cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ nhận diện rõ từng hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền càng phải nhận thức rõ hơn về 19 nhóm hành vi này.
“Có lẽ mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền nên đặt bản hướng dẫn nêu rõ 19 hành vi tiêu cực đã được ban hành, để trên bàn làm việc của mình để luôn tự soi, tự sửa, không vi phạm quy định”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.
Để việc phòng chống đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Trọng Phúc, điều đó phụ thuộc vào tổ chức Đảng, chính quyền và mỗi cán bộ, công chức. Theo đó, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật, kiểm soát quyền lực thật tốt.
“Nếu không kiểm soát được quyền lực, những trường hợp suy thoái vẫn có thể lợi dụng các kẽ hở của pháp luật làm điều phi pháp”, ông Phúc nói.
Điều quan trọng, với mỗi cán bộ, đảng viên, phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, coi trọng danh dự bản thân, luôn phòng tránh những hành vi dẫn tới tham nhũng, tiêu cực.
“Còn với những ai cố tình vi phạm, cơ quan chức năng phải căn cứ quy định của Đảng, pháp luật xử để xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, ông Phúc nói.
Nhận biết được hành vi tiêu cực, cán bộ tự soi, tự sửa
Cùng vấn đề trên, TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị và Chính sách công (giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hướng dẫn phòng chống 19 hành vi tiêu cực là sự chỉ đạo rất sát sao của Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, bản hướng dẫn nêu 19 hành vi tiêu cực là một bước cụ thể hơn, chỉ rõ hơn các biểu hiện dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
“19 hành vi này chủ yếu gắn với lĩnh vực công, tức là ở khu vực quản lý nhà nước nhiều hơn. Đây là những cán bộ, công chức có thể dùng các quyền lực công để ban hành các quyết định. Đó chính là nguy cơ có thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực”, TS Nguyễn Văn Đáng nói.
Với "cẩm nang" này, cán bộ ở địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở sẽ dễ dàng nhận biết được các hành vi tiêu cực để đấu tranh, phòng ngừa. Việc ban hành hướng dẫn nhận diện cụ thể với các hành vi này cũng để cho cán bộ, đảng viên soi vào đó để điều chỉnh bản thân cho phù hợp, tránh vi phạm. Bên cạnh đó, khi các biểu hiện tiêu cực được cán bộ, đảng viên, nhân dân phản ánh, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể dựa vào quy định này để xử lý theo đúng thẩm quyền.
Về vấn đề thực thi sao cho hiệu quả, theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phải phổ biến tới từng cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, các cơ quan phải tổ chức nghiên cứu, thảo luận kỹ về 19 hành vi tiêu cực vừa được chỉ rõ.
“Khi đã phổ biến, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định này sẽ là điểm tựa để các cán bộ, đảng viên nhìn vào phòng tránh”, TS. Nguyễn Văn Đáng nói.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đáng, mấu chốt của sự hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên. “Nếu như người đứng đầu đơn vị mà quan tâm quán triệt hướng dẫn đến từng cán bộ, đảng viên thì công tác phòng, chống tiêu cực đạt hiệu quả. Ngược lại, nếu người đứng đầu chỉ phổ biến một cách hình thức, chiếu lệ, không thảo luận… thì hướng dẫn không đạt hiệu quả như mong muốn”, TS. Nguyễn Văn Đáng khuyến nghị.