Chơi thân với nhau từ khi học đại học, Anh Trâm và Mỹ Hạnh đều là những cô gái nhân viên văn phòng tại Hà Nội, đi làm theo những khung giờ hành chính, bận rộn với guồng quay công việc và những lo toan đời thường. Mỗi khi cảm thấy quá căng thẳng, hai người bạn thường rủ nhau đi đâu đó vài ngày, trở về với vòng tay ôm ấp của mẹ thiên nhiên, để được thư giãn và refesh lại bản thân.

Mùa xuân năm nay, đôi bạn đến với Vườn Quốc Gia Cát Tiên- là một trong những nơi có số lượng động vật hoang dã nhiều nhất Việt Nam, cũng là nơi hiếm hoi hiện nay có thể dễ dàng quan sát được cuộc sống tự nhiên của các loài động vật quý hiếm. 

Xuất phát từ Hà Nội, Anh Trâm và Mỹ Hạnh mất tổng cộng khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ và 4 lần chuyển phương tiện mới đến nơi.  Vì đi lại khá xa xôi nên hai người bạn quyết định dành bốn ngày để khám phá cho bõ công. Đối với du khách ở gần hơn có thể đến đây chơi vào hai ngày cuối tuần, hoặc thậm chí có thể tham quan trong ngày.

Khu vực trải nghiệm thường được dân mê xê dịch gọi là Nam Cát Tiên - là một phần của Vườn Quốc gia Cát Tiên trải rộng trên cả ba tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Rừng Cát Tiên nằm trên địa bàn huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai, là nơi đa dạng nhiều hệ sinh thái như rừng thường xanh lá rộng, đồng cỏ, vùng đầm lầy ngập nước...

Vào đêm đầu tiên ở Cát Tiên, Hạnh và Trâm được trải nghiệm tour xem thú đêm. Với giá 150 nghìn/người, bắt đầu từ 6h30 tối, mỗi tour khoảng 10-15 người, xe chuyên dụng của Ban quản lý vườn quốc gia sẽ chầm chậm, nhẹ nhàng đưa đoàn đi theo hướng Trạm Kiểm lâm Núi Tượng. Trên xe có một kiểm lâm viên soi đèn kiêm giới thiệu cho khách. Đèn soi là loại chuyên dụng có ánh sáng vàng, không gây chói mắt hay ảnh hưởng đến các con thú. Du khách không được sử dụng đèn pin cá nhân, đèn flash máy ảnh hoặc điện thoại.... 

“Mới đi được chừng 5 phút chúng mình đã được thấy một chú cầy hương béo tròn đi kiếm ăn đêm, rồi chút xíu nữa là những bầy nai tụ tập bên tràng cỏ, rồi hai mẹ con nhà hươu rất đáng yêu chạy tung tăng dưới những cây muồng hoa đào Cát Tiên... Động vật ở đây có vẻ được bảo vệ tốt nên thấy động cũng không hoảng sợ, chúng ngẩng mặt lên và nhìn thẳng vào đoàn người, mắt lấp lánh như ánh sao.” Mỹ Hạnh chia sẻ. 

Ngoài đi bằng xe, hai người bạn cũng rất thích thú với việc đi bộ. Thơ thẩn bước đi dưới ánh trăng vằng vặc, lắng nghe từng tiếng động xung quanh và ngắm nhìn từng đôi mắt sáng trong đêm của muôn loài, là một trải nghiệm rất đáng nhớ. 

Đến sáng, hai cô gái thuê xe đạp đạp đi tham quan và check-in các cây cổ thụ ở Cát Tiên. Đi bằng xe đạp giúp Trâm và Hạnh được tập thể dục, cũng như chủ động dừng nghỉ bất kỳ lúc nào. Con đường trong rừng nhỏ và hơi gồ ghề, nhưng bù lại là những mảng xanh mướt mát như kéo dài vô tận, tiếng vượn hót chim kêu ríu rít sống động, mùi lá non và hương hoa rừng thoang thoảng... Trên đường đạp xe, hai cô gái còn nhìn thấy khỉ, chồn và vô số loài chim lạ mắt. 

Trên tuyến đường đạp xe có đầy đủ biển chỉ dẫn để khách vào tham quan các “cụ” cổ thụ đặc biệt của rừng Cát Tiên. Nam Cát Tiên có nhiều cây cổ thụ 400 đến 700 năm tuổi, hình dáng cổ quái ấn tượng như cây tung, cây gõ đỏ, cây đa lộc giao, cây si trăm thân hay bằng lăng 6 ngọn… Với những người yêu cây, đây là nơi lý tưởng để “Shinrin yoku”, có nghĩa là tắm rừng.

“Đi bộ dưới những tán rừng xanh mát, cảm nhận sự yên tĩnh của rừng già đem lại cảm giác thanh bình khó tả, nhất là với những người có cuộc sống bận rộn ở thành phố. Đặc biệt mỗi đoạn rừng lại có một mùi hương riêng, rất dễ chịu. Cái thứ hương rừng toát ra từ hoa, từ quả chín, và đặc biệt từ thân, lá, vỏ cây, rất khó diễn tả nhưng lại như gây nghiện. Đứng trước những cổ thụ này, càng thấy con người bé xíu và mọi buồn lo thật sự chẳng đáng là gì.” Hai cô gái chia sẻ. 

Đã đến Cát Tiên thì không thể bỏ qua Bàu Sấu, nơi khôi phục và bảo tồn thành công loài cá sấu Xiêm (cá sấu nước ngọt) suýt tuyệt chủng ở Việt Nam. Để đến Bàu Sấu, hai người bạn phải đạp xe 9km và đi bộ 5km xuyên rừng. 

Bàu Sấu là một vùng đầm lầy rộng lớn với nhiều lau sậy và những đảo nhỏ. Ban đêm ở Bàu Sấu có hoạt động vô cùng thú vị là…soi mắt cá sấu. Vẫn với đèn pin chuyên dụng của lực lượng kiểm lâm, Hạnh và Trâm cảm thấy choáng ngợp khi lần đầu tiên thấy hàng trăm cặp mắt đỏ rực như những đốm than hồng trong hồ nước phía xa. Đó là nơi trú ngụ của 600 cá thể cá sấu. “Cảnh dù có nên thơ đến đâu, chớ dại mà thò tay, khua chân xuống mặt nước yên ả. Bởi khúc củi mục vô hại từ đằng xa kia, có thể nhe răng ra và kéo bạn xuống bất cứ lúc nào. Bàu Sấu về đêm là cảnh tượng lãng mãn nhưng không kém phần đáng sợ.”, hai cô gái nhớ lại. 

Sau buổi đêm ngủ tại chòi của Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu với khung cảnh đêm đầy sao, tiếng côn trùng rả rích và cả âm thanh của hươu, nai, bò tót hoang dã đi kiếm ăn đêm; sáng sớm hôm sau, các chú kiểm lâm đưa Trâm và Hạnh đi chèo thuyền một vòng quanh bàu, xuyên qua màn sương lảng bảng, ngắm mặt trời mọc. 

Mặt nước im lìm, phẳng lặng như gương, phản chiếu bầu trời rực rỡ sắc đỏ hừng đông khiến hai cô gái lặng người trong giây lát. Hít thở thật sâu bầu không khí tinh sương trong lành, lắng nghe tiếng xao động của cuộc sống xung quanh: tiếng cá quẫy, tiếng chim gọi nhau, tiếng gió luồn qua những bụi cỏ tranh rộng lớn còn đẫm sương đêm, tiếng khoả nước đều đặn của mái chèo và vẳng lại từ xa là tiếng vượn hót đâu đó trong rừng.  Cảnh tượng một con bói cá từ trên không trung lao mình cắm thẳng đứng xuống nước và tung cánh bay lên trời với một chú cá trong mỏ. Không sách truyện hay thước phim nào so sánh được cảm giác tự mình nhìn thấy màn săn mồi ngoạn mục ấy. “Thật tiếc là những gì tuyệt vời nhất chỉ có thể ghi lại bằng mắt, cảm nhận bằng tim và lưu lại trong trí nhớ.”

Cát Tiên cũng là thiên đường của các loài chim với rất nhiều loài quý hiếm. Anh Trâm và Mỹ Hạnh cũng rất may mắn khi nhìn thấy chim cổ rắn, loài chim có trong sách đỏ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và rất hiếm người gặp được.

Hành trình của ngày thứ tư cũng mang đến nhiều ấn tượng cho hai cô gái khi được thăm khu bảo tồn gấu, là mái ấm của gần 50 chú gấu ngựa và gấu chó được giải cứu khỏi cảnh nuôi nhốt và buôn lậu. Có những cá thể bị mù mắt, bị cụt chân, bị bệnh…là hậu quả của việc bị hành hạ suốt nhiều năm để lấy mật. Tại đây gấu được chăm sóc, chữa trị và phục hồi.

Với Hạnh và Trâm, chuyến đi dù chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng cả hai cô gái đều đã tìm được điều mà mình cần. “Ở thành phố, mình là một cô nhân viên văn phòng chững chạc, thường xuyên stress công việc, thỉnh thoảng rối loạn lo âu và rất hay bị đau cổ vai gáy.

Vào rừng, mình dường như trở thành con người khác hẳn, như được trở lại với con người trẻ thơ của mình, nói cười luôn miệng, tràn đầy sức sống và sự tò mò háo hức với thế giới xung quanh, có thể trekking từ sáng đến đêm không biết mệt. Thiên nhiên có sức mạnh chữa lành diệu kỳ như thế đấy.” Anh Trâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, đúng ngày Hạnh và Trâm vào Cát Tiên thì có xảy ra hai vụ lâm tặc tấn công làm trọng thương kiểm lâm. Mỹ Hạnh cho biết, cuộc sống của những nhân viên kiểm lâm còn rất nhiều khó khăn. Nhưng dù công việc vất vả hiểm nguy, họ vẫn trụ vững với nghề, thân thiện nhiệt tình với du khách, ngày ngày âm thầm bảo vệ những cánh rừng, để nối dài những màu xanh và những khoảnh khắc diệu kỳ trên mảnh đất Cát Tiên. 

Ảnh: NVCC