Hai bên cùng có lợi
Theo thống kê Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 3,49 tỷ USD. Các mặt hàng tăng trưởng gồm: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 98,1%; Sản phẩm từ cao su 76,8%; Điện thoại và linh kiện các loại tăng 29,4%; Rau quả tăng 28,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 12,2%; Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 5,7%; Giầy dép các loại tăng 5%, Hạt điều tăng 3%.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (22,7%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,6%); Giày dép các loại (12,9%); Hàng dệt may (11,3%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,2%; Hàng thủy sản 4,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3%;
Chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt hơn 460 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh gồm: Hàng thủy sản 192,6%; Sản phẩm từ sắt thép 75,6%; Vải các loại 80,1%; Kim loại thường 33%; Nguyên phụ liệu may mặc 21,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 19,2%; Sản phẩm từ chất dẻo 12,5%.Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (26,1%); Dược phẩm 11%; Sản phẩm hóa chất 5,9%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (5,4%); Thủy sản (4,4%).
Có thể thấy, trong bối cảnh trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại châu Âu chứng kiến đà sụt giảm do những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, việc hai nước giữ được đà tăng trưởng dương là điều rất đáng khích lệ.
Về lĩnh vực đầu tư, được xem là quốc gia năng động, có nền chính trị ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, bền vững của Vương quốc Anh với 536 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4,3 tỷ đô la Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, đã có 28 dự án đầu tư mới của nhà đầu tư Anh được cấp phép tại thị trường Việt Nam. Vương quốc Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Phát huy vai trò Thương vụ Việt Nam tại Anh
Với những kết quả đạt được, tại Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban thương mại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được tổ chức vào cuối tháng 8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và ông Nigel Huddleston - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh đều đánh giá cao việc các Ủy ban chuyên môn đã kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh và chủ động chia sẻ, cập nhật lẫn nhau về các quy định pháp luật liên quan của mỗi bên, góp phần triển khai hiệu quả Hiệp định UKVFTA trong năm thứ 2 có hiệu lực.
Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Anh trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã có những kế hoạch, giải pháp rất cụ thể, như tăng cường mạng lưới với cộng đồng Doanh nghiệp Anh và Doanh nghiệp Việt nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho DN Việt Nam.
Cung cấp cho Doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh. Cập nhật và phổ biến sách điện tử ‘Thị trường Anh – những điều cần biết’; tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh nhằm đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị.
Đồng thời Thương vụ Việt Nam tại Anh duy trì cập nhật thông tin trên website www.vietnamtradeoffice.co.uk để phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cho rằng: Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh tiếp tục phát triển tốt đẹp, cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, đây là cơ hội cho doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: giấy và các sản phẩm từ giấy, cao su, rau quả thực phẩm, giày da, … sang Anh quốc. Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ucraina.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. |