Lâu lắm rồi Samsung mới có một năm buồn tới vậy. Khi cuộc chiến bán dẫn kết thúc, lợi nhuận của gã khổng lồ Hàn Quốc đã bốc hơi ở tốc độ hơn 50% mỗi quý. Trong cuộc chiến smartphone, Galaxy S10 bị đánh giá là "bán chậm" trong quý 2 vừa qua. Khoản lợi nhuận do smartphone Samsung đem lại năm nay thậm chí còn không bằng năm ngoái, vốn là năm "nhàm chán" bậc nhất trong danh mục Samsung.
Nhưng bạn phải thực sự nhìn vào dã tâm của Samsung để thấy năm 2019 quan trọng (và tươi đẹp) đến thế nào. Những gì Samsung muốn, Samsung đều đang làm được.
Samsung muốn gì cho năm nay? Đầu năm, gã khổng lồ Hàn Quốc thực hiện một bước đi "sốc" khi khai tử hoàn toàn dòng Galaxy J từng rất thành công. Thế chỗ cho Galaxy J, dòng Galaxy M hoàn toàn mới tăng sức cạnh tranh trên phân khúc giá rẻ bằng cách dần dần phá giá cấu hình (chip lõi tứ, màn hình AMOLED cho một số model). Trên phân khúc cao cấp, dòng Galaxy S lần đầu tiên đón chào một thành viên mới sau nhiều năm với Galaxy S10e, chiếc đầu bảng đánh dấu sự trở lại của Samsung với chiến lược đầu bảng rút gọn.
Dòng Galaxy A thực chất cũng đã thay đổi hoàn toàn với cơ chế đặt tên mới và chiến lược sản phẩm mới. Bên trong Samsung, các startup "nhỏ" được thành lập nhằm phát triển các mẫu A, trong đó thu hút nhiều sự chú ý nhất là Galaxy A80 với cơ chế camera nhào lộn độc đáo. Mới gần đây, Galaxy A90 và trở thành sản phẩm "phá giá cấu hình" đầu tiên của Samsung khi chỉ là sản phẩm tầm trung mà vẫn có chip Snapdragon 855.
Đây có thể coi là bước ngoặt gây sốc nhất của công ty Hàn Quốc, bởi trong suốt 10 năm phát triển smartphone Samsung chưa một lần nào bày tỏ tham vọng chạy đua cấu hình/giá với bất kỳ một đối thủ nào cả. Tại Ấn Độ, Galaxy A90 sẽ có giá cùng một phân khúc với OPPO Reno 10X Zoom và P30 Pro.
Tất cả những bước đi này đều tốn tiền. Samsung đã thừa nhận như vậy: trong báo cáo tài chính quý 1, gã khổng lồ Hàn Quốc khẳng định "chi phí mảng di động gia tăng vì đem tính năng cao cấp xuống tầm trung/giá rẻ; marketing và thay đổi danh mục khiến khả năng sinh lời bị giảm sút". Trong quý 2, "điều chỉnh hàng tồn kho cho các model đời cũ khiến lợi nhuận sụt giảm". Samsung biết cái giá phải trả khi thực hiện chuyển mình. Tất cả đều vẽ nên một bức tranh thật khó khăn, thật buồn, cho đến khi bạn nhận ra...
Quyết định cải tổ danh mục sản phẩm đang mang lại những "trái ngọt" tươi mới. Dựa theo thống kê của Informa, trong nửa đầu năm Galaxy A10, A30 và A50 đều lọt bảng xếp hạng smartphone bán chạy nhất thế giới. Galaxy M20 lập kỷ lục tại Ấn Độ và Việt Nam. Galaxy A80, một sản phẩm "kì lạ" tưởng kén người mua, thậm chí lại còn lên kệ chậm vài tháng (kể từ ngày ra mắt) vẫn dễ dàng lọt top smartphone bán chạy.
Trong một quý đầu tiên, series Galaxy S10 đạt doanh số tăng 12% so với bộ đôi Galaxy S9 của năm ngoái - riêng S10e đóng góp 22% tổng lượng S10 bán ra. Cùng bán được 16 triệu máy, S10 series chỉ mất 3 tháng, Huawei P30 series mất tận 6 tháng.
Ngôi vị số 1 được giữ vững tại Đông Nam Á. Ngôi vị số 1 được củng cố tại Tây Âu. Khoảng cách với Xiaomi tại Ấn Độ chỉ còn không đầy 1 triệu máy. Trong cả 2 quý đầu năm, bất chấp thị trường toàn cầu tiếp tục suy giảm, doanh số smartphone Samsung vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ 2018. Dựa theo báo cáo của cả IDC và Gartner, thị phần trên toàn cầu của Samsung cũng đã gia tăng. Ngôi vị số 1 trên toàn thế giới vẫn đang là của riêng Samsung, với khoảng cách lên tới hàng chục triệu máy.
Đây mới là dã tâm thực sự của Samsung. Sau nhiều năm nhân nhượng (để... bán linh kiện), Samsung nay đang tung ra những vũ khí mạnh mẽ nhất để hủy diệt đối thủ. Dã tâm thực sự của Samsung lúc này là, khi cả thị trường gặp khó, khi Xiaomi đang mù mờ lối ra, khi Huawei đang điêu đứng, Samsung sẽ làm tất cả những gì có thể để đẩy thu hút hết người dùng. Một khi những kẻ cạnh tranh đã gục ngã, thị trường smartphone lại trở thành "sân nhà" của Samsung.
Càng muốn thu hút người dùng thì nhà sản xuất lại càng phải bạo chi, càng phải chấp nhận lợi nhuận bay biến... Không sao cả, bởi người tiêu dùng đang có những phản hồi rất tích cực với những thay đổi do Samsung thực hiện từ đầu năm đến nay. Từ chỗ dần dần từ bỏ Samsung, họ đang quay ra ủng hộ Samsung hơn bao giờ hết. Thị phần của Samsung hiện đang gấp đôi Apple, và khi Huawei tất yếu sụp đổ, Samsung sẽ chiếm miếng bánh bằng cả 2 đối thủ lớn nhất cộng lại.
Giờ là lúc để các đối thủ run sợ trước ông lớn số 1 thị trường smartphone. Samsung biết cái giá mình phải trả, nhưng Samsung cũng sẽ không bao giờ chấp nhận cho bất kỳ một kẻ nào khác vươn lên chiếm lấy ngôi vương. Đáng sợ nhất không phải là kẻ vừa đánh vừa toan tính, mà đáng sợ nhất là một gã khổng lồ dù biết sẽ bị đau nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu tới cùng!