Số tiền kiếm được trong 1 năm của 210 người Việt Nam siêu giàu có thể giúp 3,2 triệu người thoát nghèo và chấm dứt nghèo cùng cực. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong 1 ngày nhiều hơn số tiền người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm gộp lại.

 

1 ngày của người giàu nhất bằng người nghèo làm 10 năm

Lan, một học sinh 17 tuổi người Dao ở Bắc Kạn. Gia đình em khốn khó đến nỗi cả nhà lâm vào cảnh đói 3 tháng mỗi năm. Cả Lan và em gái đều là những học sinh khá, nên bố mẹ luôn cố gắng hết sức để các bé có thể học hết cấp 2.

Ước mơ của Lan là được học đại học, nhưng cho dù có thi đậu, gia đình em cũng không có tiền trang trải cho những tháng ngày học tập trên thành thị đắt đỏ. Còn em gái Lan mơ ước trở thành họa sĩ, điều mà cô bé nghĩ sẽ không bao giờ có thể đạt được. Em ngậm ngùi tự nhủ sau khi học xong cấp 2, sẽ đi làm thuê để trợ giúp cho gia đình. 

{keywords}
Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng lớn. Ảnh: Lương Bằng

Còn Nhựt - một cậu bé mới 15 tuổi được chẩn đoán mắc căn bệnh u não và cần phẫu thuật khẩn cấp. Thẻ bảo hiểm của em không thể chi trả chi phí phẫu thuật và chi phí điều trị kéo dài. Gia đình Nhựt phải đi vay với lãi suất cao và bán hết tài sản trong nhà chỉ để trả tiền thuốc men.

Cha Nhựt tâm sự: "Gia đình chẳng còn lại gì. Không nhà, không vườn tược, không gia súc. Nhưng chúng tôi sẽ làm tất cả để cứu con trai chúng tôi".

Mỗi năm, theo Oxfam, có hơn nửa triệu người Việt Nam bị rơi vào cảnh nghèo đói do phải tự chi trả cho việc khám chữa bệnh.

Đó là hai câu chuyện bà Bebeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, kể trong buổi tọa đàm Thu hẹp khoảng cách, diễn ra ngày 12/1. Lan và em gái chỉ là 2 trong số rất nhiều trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải nghỉ học do cha mẹ quá nghèo hay chịu cảnh “nhà nghèo mắc bệnh nan y” mà bà Bebeth Ngoc Han Lefur đã gặp.

Bà Bebeth Ngoc Han Lefur nói: Sự thực là bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng trên mọi thước đo tại Việt Nam. Năm 2014 số tiền kiếm được trong 1 năm của 210 người Việt Nam siêu giàu (mỗi người có tài sản trị giá hơn 30 triệu USD) có thể giúp 3,2 triệu người thoát nghèo và chấm dứt nghèo cùng cực.

Theo tính toán của Oxfam, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong 1 ngày nhiều hơn số tiền người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm gộp lại. “Tài sản của người giàu nhất Việt Nam nhiều đến mức anh ta có thể tiêu 1 triệu USD mỗi ngày trong vòng 6 năm liên tục mới hết số tài sản đó”, bà chia sẻ.

Bất bình đẳng về kinh tế, dẫn đến bất bình đẳng về giáo dục, chăm sóc y tế,... như câu chuyện kể trên.

Tuy nhiên, chuyện về khoảng cách giàu nghèo không phải là chỉ gặp ở riêng Việt Nam. Đây là điều tất nhiên xảy ra trong một nền kinh tế thị trường. Nhưng thế giới đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng về bất công, bất bình đẳng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Những tính toán của Oxfam cho thấy, chỉ có 62 người đã sở hữu khối tài sản bằng tài sản của một nửa dân số trên hành tinh này gộp lại (3,6 tỷ người).

Ngân hàng Credit Suisse gần đây tiết lộ, những người giàu nhất thuộc 1% dân số thế giới đã tích lũy được nhiều tài sản hơn 99% dân số còn lại.

Thế nên từ năm 2013, “báo cáo rủi ro toàn cầu” của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đã đưa bất bình đẳng về kinh tế vào danh sách những rủi ro toàn cầu nguy cấp nhất.

Thu hẹp khoảng cách: Việt Nam có thể làm được

Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2035 của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá còn tồn tại khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số tại Việt Nam. Theo đó, nhóm thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm 50% số người nghèo.

{keywords}
Nhóm thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm 50% số người  nghèo. Ảnh: L.Bằng

Theo Ngân hàng Thế giới, tuy đã đạt những bước tiến lớn về nâng cao mức sống kể từ khi Đổi mới, nhưng một số nhóm đối tượng lớn vẫn bị thiệt thòi và đang có khoảng cách lớn về cơ hội giữa con em các hộ nghèo và con em các gia đình khá giả. Trẻ em dưới một tuổi người dân tộc thiểu số có xác suất tử vong cao gấp 4 lần trẻ em người Kinh. Trên một nửa trẻ em khuyết tật nặng chưa từng đến trường,...

“Trong thập kỷ vừa qua, mặc dù số triệu phú người Việt Nam đã tăng gấp 3 lần nhưng tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số vẫn hầu như không thay đổi”, Ngân hàng Thế giới chỉ ra.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Việt Nam được danh tiếng tốt là một trong những mô hình thành công đổi mới kinh tế đi cùng xóa đói giảm nghèo, song bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng tăng lên. Đây là cái đau, là sự thất bại trong sự phát triển của chúng ta.

Dù khoảng cách giàu nghèo quá lớn là vấn đề nan giải, nhưng bà Bebeth Ngoc Han Lefur tin tưởng chắc chắn rằng bất bình đẳng có thể được giải quyết tại Việt Nam. “Chúng ta có thể hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam công bằng, bình đẳng, nơi mọi người dân không phân biệt giới tính, sắc tộc, khu vực địa lý đều có thể hưởng một cuộc sống tốt đẹp”, bà nói.

Lương Bằng - Kim Duyên