Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn 1 tháng qua, trong 24 giờ Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19.
Trong tổng số 251 ca đang điều trị, 126 ca đã được công bố khỏi bệnh. 125 ca còn lại đang điều trị có 84 trường hợp từ nước ngoài về.
Hiện tại, 25 bệnh nhân đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 17 người trong số này đã có kết quả âm tính lần 2.
Cả nước còn 5 bệnh nhân mắc Covid-19 đang phải thở oxy, tuy nhiên chỉ có 3 ca nặng là bệnh nhân 19, bệnh nhân 91 và bệnh nhân 161.
Số ca mắc Covid-19 5 ngày qua tại Việt Nam giảm mạnh
Dự kiến trong hôm nay sẽ có thêm 2 bệnh nhân đang điều trị tại BV Covid-19 Cần Giờ được ra viện.
Đáng mừng hơn, trong những ngày qua, số ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 cũng giảm xuống còn hơn 2.500 người, số người bị cách ly tại bệnh viện cũng giảm một nửa còn 642 người, số người cách ly tập trung tại các cơ sở giảm hơn 3.000 người xuống còn gần 28.000 người, ngoài ra hơn 48.000 người khác đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Như vậy đây là ngày thứ 6 liên tiếp, Việt Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm mạnh, trung bình từ 1-4 ca/ngày.
Hôm nay là ngày thứ 8 Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 tiếp tục khuyến cáo người dân không nên ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết.
Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, kịp thời; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như các biện pháp khác về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.
Bộ Công an, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền tập trung phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh, người nhiễm dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội.
Trong quá trình xem xét, xử lý các hành vi vi phạm, nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hình sự, các cơ quan nêu tại các mục 1,2,3 trên đây phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khẩn trương xác minh, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi (như đầu cơ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh…); trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự trong quá trình xử lý các hành vi phạm tội.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như trang thiết bị vật tư y tế và nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 và các hành vi khác có liên quan; đồng thời chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về một số tội phạm có liên quan, tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.