Trong số gần 1 triệu người Israel được chủng ngừa Covid-19 đến nay, khoảng 240 ca được chẩn đoán nhiễm virus vài ngày sau khi tiêm.
Con số này cảnh báo mọi người cần phải bảo vệ mình trong nhiều tuần sau khi được tiêm chủng. Cơ thể cần thời gian để phát triển các kháng thể hiệu quả chống lại virus nCoV.
Một người đàn ông đang được tiêm vắc xin Covid-19 ở Jerusalem
Vắc xin Pfizer không được sản xuất bằng chính virus nCoV, đồng nghĩa không ai có thể mắc bệnh từ các mũi tiêm chủng. Thay vào đó, vắc xin chứa một đoạn mã di truyền giúp đào tạo hệ thống miễn dịch nhận ra protein gai trên bề mặt của virus và tạo ra kháng thể chống lại Covid-19.
Nhưng quá trình này cần có thời gian. Khả năng miễn dịch đối với virus chỉ tăng khoảng 8-10 ngày sau lần tiêm đầu tiên và hiệu quả đạt khoảng 50%.
Đây là lý do tại sao liều thứ 2 của vắc xin Covid-19, được tiêm sau 21 ngày, rất quan trọng. Liều này tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus, mang lại hiệu quả đến 95%. Mức độ miễn dịch sẽ đạt được khoảng 1 tuần sau liều thứ 2 - hoặc 28 ngày sau liều đầu tiên.
Phần lớn những người Israel đã tiêm vắc xin không có vấn đề gì kể từ khi tiêm. Khoảng 1/1.000 số người được tiêm bị các tác dụng phụ nhẹ, chỉ có vài chục người cần chăm sóc y tế.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất được ghi nhận là suy nhược, chóng mặt và sốt (319 trường hợp). Năm người bị tiêu chảy; 293 người bị các triệu chứng cục bộ nơi tiêm như đau, hạn chế cử động, sưng và đỏ; 14 người bị ngứa, sưng lưỡi và cổ họng.
Theo kênh truyền hình Kan, có 4 trường hợp ở Israel tử vong sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, 3 ca không liên quan tới mũi tiêm. Ca thứ 4 là một cụ ông 88 tuổi, có bệnh nền nghiêm trọng.
An Yên (Theo Times of Israel)
Một bác sĩ bị co giật, phải cấp cứu sau khi tiêm vắc xin Covid-19
Nữ bác sĩ người Mexico bị dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin Pfizer nên lập tức phải nhập viện.