Báo cáo tại cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), đại diện Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ủy ban 1899, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 30/6/2022, đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp.
Đối với chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban 1899 tại công văn số 6007/VPCP-KTTH ngày 30/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, chậm nhất quý 1/2022, các bộ, ngành cần hoàn thành triển khai chính thức 35 thủ tục hành chính. Tính đến ngày 30/6/2022, đã có 25/35 thủ tục hành chính được triển khai.
Ở Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam tiếp tục kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN để hoàn thành triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan đối với tất cả các nước ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung. Với các quốc gia ngoài ASEAN, Bộ đang trong quá trình xác nhận để mở kênh kết nối chính thức.
Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật. Các nước ASEAN cũng đang trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trong triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, Bộ Tài chính đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm qua kênh kết nối bảo mật với Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Hai Bộ Tài chính và Công Thương đang phối hợp đàm phán xây dựng Nghị định thư, đã thống nhất Phụ lục yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ các ngành cơ bản New Zealand để thống nhất giải pháp xây dựng hệ thống kỹ thuật phục vụ triển khai Thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand.
Về triển khai công tác tạo thuận lợi thương mại, đại diện Bộ Tài chính cho biết trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến ùn ứ, ách tắc hàng hóa, phương tiện vận tải, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế.
Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây như: thành lập ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; trao đổi thông tin với đối tác để bàn giải pháp phối hợp xử lý tình trạng ùn tắc, thúc đẩy thông quan hàng hóa qua biên giới; mở đợt cao điểm thông quan hàng hóa; xây dựng “vùng xanh,” “vùng đệm” ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hòa với đối tác.
Trong triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã thực hiện đúng lộ trình cam kết TFA với WTO và đã đạt được những tiến triển đáng kể với tỷ lệ đạt trên 80%.
Theo kế hoạch, tỷ lệ thực thi TFA của Việt Nam sẽ đạt 94,5% vào ngày 31/12/2023 và 100% vào ngày 31/12/2024.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668 tỷ USD, tăng 57,6% so với năm 2017, tăng 22,8% so với năm 2020. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 371 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện; số lượng doanh nghiệp logistics gia tăng; hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics. Cơ chế đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước về logistics với doanh nghiệp và công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát triển dịch vụ logistics được tăng cường…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, hoạt động phát triển logistics quốc gia còn thiếu một nhận thức và quyết tâm đủ lớn để thực sự đặt dịch vụ này vào đúng tầm, để có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong phát triển ngành. Nhận thức về logistics cũng khác nhau giữa các địa phương dẫn đến việc triển khai không đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các nơi.
Bên cạnh đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ còn yếu; điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt…
Lê Na, Thu Hà, Lê Thị Na