- Đô thị Việt Nam có thể mất 25 năm để trở nên đáng sống như Singapore. Quan trọng là các nhà làm quy hoạch hãy xây thành phố như cách người ta nấu ăn, TS Liu Thai Ker và các diễn giả chia sẻ trong Góc nhìn thẳng.
Ở phần 2 của bàn tròn trực tuyến "Ngập lụt, ùn tắc, ô nhiễm, liều thuốc nào cho đô thị Việt Nam?" các kiến trúc sư, nhà quy hoạch và diễn giả quốc tế về phát triển đô thị cùng tiếp tục chia sẻ ý kiến về một mong muốn "Làm thế nào để đô thị Việt Nam, như Hà Nội, Tp HCM trở nên đáng sống? Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để có thể trở nên xanh, sạch đẹp như Singapore?"
Chuyên Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet mời bạn đọc theo dõi phần 2, đồng thời là phần cuối của bàn tròn này.
4 khách mời tham gia chương trình này là:
- TS Liu Thai Ker (Lưu Thái Cơ), người được coi là cha đẻ, đặt nền móng cho kiến trúc Singapore hiện đại. Ông hiện là Chủ tịch Trung tâm thành phố đáng sống thuộc chính phủ Singapore, nguyên kiến trúc sư trưởng của Singapore.
- TS Sumila Gulyani, Trưởng nhóm toàn cầu về chiến lược và phân tích phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới.
- Bà Jolanta Kryspin-Watson, chuyên gia trưởng toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai và là điều phối viên Chương trình Quản lý rủi ro thiên tại tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.
- Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Uỷ viên Ban thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, chuyên gia về phản biện quy hoạch đô thị.
Video phần 2 bàn tròn trực tuyến về quy hoạch đô thị:
Nhà báo Phạm Huyền: Có lẽ, những điều mà KTS Trần Huy Ánh vừa chia sẻ là một thông tin rất đáng lưu ý cho các diễn giả quốc tế.
Vâng, xin được hỏi một chi tiết đối với chuyên gia về ngập lụt. Thưa bà Jolanta, để đảm bảo một quy hoạch đô thị đẹp, toàn diện với những tiêu chí như hai vị khách – Tiến sỹ Liu Thai Ker và TS Sumila nói đến, việc ngập lụt trong quy hoạch là một yếu tố quan trọng cần phải lưu ý. Nhưng có lẽ, để những quy hoạch đô thị đáp ứng được những tiêu chí đó thì tôi nghĩ là cần có nhiều tiền hơn, giống như một cao ốc chỉ xây có một tầng hầm so với việc xây ba tầng hầm chi phí sẽ khác nhau.
Xin bà chia sẻ là nếu như những vấn đề chống chịu đối với biến đối khí hậu, cụ thể là khả năng phòng chống ngập lụt, ô nhiễm không khí mà không được quan tâm đầy đủ trong quy hoạch đô thị thì hệ quả sẽ xảy ra như thế nào?
Bà Jolanta Kryspin-Watson: Tôi cũng có thể nhấn mạnh những gì chúng ta đã nghe thấy từ các chuyên gia khác. Chúng ta thấy là có những vấn đề liên quan đến sức chống chịu của các tòa nhà cũng như các hạ tầng trong thành phố. Nó cũng là một khía cạnh vô cùng quan trọng.
Cũng giống như quy hoạch đô thị, chúng ta cần phải có một cái nhìn lâu dài, phải có quy hoạch lâu dài, trong đó, sẽ cần có những yếu tố như tính đến việc chống chịu lũ như thế nào của thành phố... Tôi nghĩ, chúng ta cần phải xây dựng những quy hoạch như vậy, đặc biệt tại các thành phố lớn mà chúng ta gọi là mega city.
Chúng ta cũng cần phải xếp hạng thứ tự ưu tiên cho việc này. Hiện nay, ta đều thấy có rất nhiều vấn đề về môi trường tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chúng ta cũng không thể giải quyết được tất cả các rủi ro cùng một lúc.
Bà Jolanta Kryspin-Watson, chuyên gia trưởng toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại Góc nhìn thẳng: (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Chúng ta sẽ tìm cách nào đó để xếp hạng thứ tự ưu tiên để xử lý các rủi ro này. Và việc xếp hạng thứ tự ưu tiên như cần có sự đồng thuận của các chủ thể, của rất nhiều các ban ngành khác nhau, ở cấp thành phố cũng như là ở cấp trung ương.
Các diễn giả ở đây đề cập tới các vấn đề quy hoạch đô thị. Với tôi, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải đề cập đến những quy hoạch đô thị mang tính lồng ghép - có nghĩa là lồng ghép vào trong những quy hoạch là việc quản lý ngập lụt như thế nào. Việc này sẽ giúp các quốc gia giải quyết tốt hơn được các rủi ro về ngập lụt, đặc biệt là ở các thành phố nằm ở các lưu vực sông.
Điều này cũng có nghĩa là chúng ta sẽ cần sự tham gia của nhiều ban ngành khác nhau, nhiều khu vực khác nhau. Và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương sẽ phải quan tâm, đầu tư vào kế hoạch phòng chống lũ lụt ngập úng ở cấp độ thành phố, cấp tỉnh cũng như là cấp trung ương ngay từ các bản quy hoạch đô thị.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, cảm ơn bà. Thưa kiến trúc sư Trần Huy Ánh, qua nghiên cứu sâu sắc về câu chuyện quy hoạch ở Việt Nam, ông nghĩ như thế nào về những điều cần đạt được như lời khuyên của bà Jolanta, bà Sumila hay là ông Liu Thai Ker? Đối với các quy hoạch của Việt Nam hiện nay thì liệu những bài học kinh nghiệm đó đã thực sự được áp dụng hay chưa, hay là chúng ta đang thiếu?
KTS Trần Huy Ánh: Đối với vấn đề phát triển đô thị của Việt Nam, chúng ta đã có rất nhiều những bài học của bạn bè quốc tế để tham khảo và những vị khách quý ngồi đây chia sẻ cũng cho chúng ta thấy nhiều điều sáng tỏ hơn.
Tôi thì muốn nói rõ rằng, đô thị của Việt Nam có một lịch sử rất huy hoàng. Vào những thập kỷ 30 của thế kỷ trước, Hà Nội, Thượng Hải và Tokyo là những thành phố đẹp nhất châu Á. Nó được quy hoạch rất tốt, rất bền vững và rất kiêu hãnh. Đấy là việc thành phố sống chung với những dòng sông, đấy là các yếu tố nước trong các thành phố như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh hay tất cả các thành phố ven biển hay gần sông. Chúng rất an toàn và có những vẻ đẹp rất riêng biệt.
Chúng ta có lẽ là đã mải mê trong mấy chục năm trở lại đây phát triển đô thị quá dương – tức là quá chú ý đên việc bê tông hóa, quá chú ý đến việc tăng trưởng, quá chú ý đến việc cơ giới hóa, cơ khí hóa mà quên đi thiên nhiên, quên đi yếu tố cân bằng, chống chịu giữa đất và nước, giữa con người và thiên nhiên, và giữa con người với xã hội, với văn hóa và lịch sử.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tại chuyên mục Góc nhìn thẳng (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ở đây vào những dịp như thế này, chúng ta có thể ngồi lại để nhìn lại những chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam. Trong tương lai phải có một cách tiếp cận mới thì mới có thể thoát khỏi những thảm họa mà ông lãnh đạo Tp Hà Nội đã nói là “nhìn thấy nó đến mà không biết cách làm như thế nào”.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, từ những chia sẻ của kiến trúc sư Trần Huy Ánh, xin được hỏi ông Liu Thai Ker, ông có lời khuyên nào tới các nhà làm quy hoạch, nhà làm chính sách ở Việt Nam trong vấn đề phát triển đô thị. Làm sao để có thể đưa được Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm, 10 năm tới trở thành các thành phố đạt những tiêu chí như ông vừa chia sẻ?
TS Liu Thai Ker: Tôi xin nhắc lại như thế này. Thứ nhất là chúng ta cần phải có quy hoạch lâu dài, quy hoạch cần phải là 50 năm, 60 năm. Khi mà chúng ta có những quy hoạch dài hạn 50, 60 năm như vậy thì chúng ta sẽ quyết định được xem là chúng ta mong muốn phát triển những gì trong 50 năm tới và chúng ta chia nhỏ nó ra là 10 năm tới, 15 năm tới chúng ra sẽ làm gì.
Thứ hai, chúng ta cũng cần phải lập kế hoạch cho nhu cầu thực sự của thành phố chứ không phải theo ngân sách của thành phố. Thứ ba là cách chúng ta quy hoạch như thế nào.
Nếu mà tôi so sánh thì tôi cũng xin khuyến nghị rằng nên cố gắng xây dựng một thành phố giống như cách chúng ta nấu ăn – tức là chúng ta cứ ghép ghép các gia vị vào. Chúng ta phải băm thịt ra, chúng ta phải băm rau ra sau đó trộn lẫn với nhau đúng không? Vấn đề chúng ta trộn như thế nào mới là quan trọng. Nếu chúng ta cứ băm hết ra rồi trộn tất cả với nhau thì sẽ không ngon đâu ạ.
Chúng ta sẽ thấy rằng là cách chúng ta trộn, cách chúng ta nấu ăn mới là quan trọng.
Ở Singapore, như các bạn biết có những bệnh viện có thể nói là dẫn đầu ở trong khu vực châu Á. Và đó là những khu vực mà mọi người cảm thấy rất là thuận tiện và nằm ngay ở trung tâm thành phố thôi, chúng tôi không phải di chuyển nó đi đâu cả.
Trong đô thị là một nguyên liệu, và ngoài đô thị - khu vực ngoại vi là một nguyên liệu khác. Vậy chúng ta kết hợp nhưng cái nguyên liệu này như thế nào mới là quan trọng.
Một quy hoạch thành phố nếu tiếp tục so sánh với phương pháp nấu ăn thì ta thấy là cả thành phố Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội đều cần có những nguyên liệu cơ bản giống nhau. Hiện nay chúng ta đang có những nguyên liệu cơ bản rất tốt rồi, chúng ta có các di tích lịch sử, chúng ta có những dòng sông rất đẹp và thiên nhiên của chúng ta rất là đẹp. Nhưng, vấn đề ở đây là các nhà quy hoạch thành phố cần phải xây dựng được một cái công thức nấu ăn tốt – một công thức nấu ăn thực sự hiệu quả.
TS Liu Thai Ker, Chủ tịch Trung tâm thành phố đáng sống thuộc Chính phủ Singapore chia se tại Góc nhìn thẳng (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Khi mà chúng ta xây dựng một cái quy hoạch đô thị tốt, giống như chúng ta có một công thức nấu ăn ngon. Và sau khi mà chúng ta đã có công thức nấu ăn rồi, điều đó cũng chưa có nghĩa là chúng ta đã có một món ăn ngon. Vấn đề là chúng ta cần phải học cách nấu như thế nào, với nguyên liệu có rồi, công thức có rồi, nhưng cách nấu nữa. Chúng ta đã có nguyên liệu tốt, chúng ta đã có công thức nấu ăn tốt nhưng chúng ta phải có kỹ năng nấu nữa thì chúng ta mới có thể có một thành phố tốt.
Vâng, tất cả những yếu tố mà tôi nói đều có sự đan quyện và là những yếu tố có tương tác lẫn nhau. Chính phủ Việt Nam cần phải có những hỗ trợ để chúng ta giúp các nhà quy hoạch có thể có những hoạt động tốt, cần phải có những khuôn khổ pháp lý tốt để có thể hiện thực hóa những quy hoạch đô thị này. Đấy là những yếu tố vô cùng quan trọng.
Điều cuối cùng đó là những vấn đề như là thiên tai, hay những vấn đề như là ngập lụt, tôi nghĩ rằng Việt Nam có lẽ là gặp phải vấn đề này nhiều hơn so với lại các nơi khác trên thế giới.
Nhưng mà chúng ta cũng cần phải tôn trọng thiên nhiên. Thiên nhiên rất là mạnh mẽ, thiên nhiên luôn mạnh hơn con người. Như vậy thì chúng ta đừng xây dựng ở những nơi mà có nhiều ngập lụt. Chúng ta không thể chiến đấu chống lại thiên nhiên được đâu, chúng ta hãy tránh những nơi đó, như vậy chúng ta cần tiến hành xây dựng một cách an toàn, chúng ta phải đưa vào những yếu tố như hệ thống thoát lũ như thế nào, hệ thống hạ tầng như thế nào.
Tôi cũng xin mượn một câu nói của Trung Quốc và có thể rất hiệu quả ở Việt Nam. Trung Quốc có rất nhiều hoạt động phát triển, họ cũng có rất nhiều vấn đề về ngập úng, và một thành phố lý tưởng là một thành phố mà có thể thoát nước mưa rất nhanh. Và nước mưa đó có thể được thoát ngay ra sông, ra hồ, ra các hệ thống cống một cách rất nhanh chóng. Nhưng mà người ta không bỏ đi cái nước mưa đó, người ta vừa có thể thoát nước vừa có thể lưu giữ hệ thống nước mưa này để sử dụng khi cần.
Như vậy, để có thể làm được điều đó thì họ cần có một quy hoạch mang tính chất rất là hợp nhất, mang tính chất rất là tổng thể.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông nghĩ là Hà Nội và TP HCM sẽ cần bao nhiêu năm nữa để đạt được những điều mà ông chia sẻ?
TS Liu Thai Ker: Nếu chúng ta có một quy hoạch tốt, hay một công thức nấu ăn tốt, và nếu mà chúng ta phát triển được những điều kiện cần thiết để chúng ta có những kỹ năng nấu ăn tốt thì có thể làm được. Ở Singapore, chúng tôi mất 25 năm để chuyển đổi từ một thành phố rất lạc hậu thành một thành phố rất hiện đại, có nghĩa là chúng tôi mất từ năm 1960 đến năm 1985. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự quyết tâm phát triển những kỹ năng nấu ăn như là xây dựng các khung pháp lý tốt thì 25 năm là hiện thực hóa được.
TS Liu Thai Ker và TS Sumila Gulyani chia sẻ tại Góc nhìn thẳng (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Nhà báo Phạm Huyền: Quả là rất nhiều việc phải làm. Ông đặt ra một bài toán nhìn thì thấy lối đi, hướng giải rồi nhưng mà giải được thì đúng là một chặng đường rất xa.
Thưa bà Sumila, vừa rồi bà cũng đã nghe kiến trúc sư Trần Huy Ánh chia sẻ về một căn bệnh trong quy hoạch Việt Nam, những chủ trương về giãn dân giảm áp lực nội đô. Thay vì là sau khi di chuyển những bệnh viên trường học, rồi là công sở và nhà máy, thì đáng lẽ là phải xây dựng những công trình công cộng cây xanh hay là dành diện tích cho đường xá, nhưng thay vào đó lại là các chung cư cao tầng mọc lên.
Các chuyên gia ở Việt Nam cũng nhìn ra rất nhiều vấn đề như quy hoạch đá nhau hoặc là quy hoạch chồng chéo nhau. Tôi nghĩ rằng câu chuyện ở đây là câu chuyện về tư duy của các nhà quản lý. Vâng, nhìn từ góc độ của một chuyên gia về chiến lược phân tích đô thị toàn cầu, bà có lời khuyên như thế nào cho các nhà quản lý ở Việt Nam trong câu chuyện từ tư duy quản lý đến tư duy làm quy hoạch? Làm thế nào để từ tư duy, từ nhận thức mà đi đến được hành động và có một kết quả tươi đẹp giống như TS Liu Thai Ker vừa chia sẻ?
TS Sumila Gulyani: Vâng xin cảm ơn. Tôi nghĩ rằng một thông điệp mà chúng ta thấy rất là rõ ràng đó là TS Liu đã lấy ví dụ về nấu ăn, giống như làm món cơm rang vậy.
Tôi nghĩ rằng một điều vô cùng quan trọng là chúng ta đừng nghĩ đến việc di chuyển các cơ sở hạ tầng khác ra khỏi thành phố. Vấn đề là chúng ta đặt nó ở đâu thôi. Chúng ta cần phải quy hoạch lại các khu nội đô, nếu mà chúng ta muốn cải tiến thì ý tưởng ở đây không phải là đưa hết các trường học, bệnh viện ra ngoài.
Vấn đề là chúng ta cần bao nhiêu trường, bao nhiêu bệnh viện ở trong khu vực thành phố của chúng ta, quy hoạch nó như thế nào, bao nhiêu bệnh viện trường học ở các khu dân cư là cần thiết, để từ đó mới tính việc di chuyển nó ra những khu vực xa hơn một chút những khu vực người dân sinh sống để đảm bảo nước ngầm ở những khu vực định cư này không bị ảnh hưởng chẳng hạn. Hoặc là tách riêng những cái hạ tầng này ra.
Và chúng ta cũng phải nghĩ thêm nếu xây dựng nhà máy thì người công nhân của nhà máy đó họ sống ở đâu? Nếu họ sống ở các khu vực xa quá rồi một ngày mất bao nhiêu là thời gian đi lại, vượt qua tắc đường giao thông thì cũng không phải là một vấn đề tốt.
Tôi nghĩ rằng đối với các quy hoạch phương Tây thì một sai lầm của họ là họ di chuyển tất, ra các khu vực ngoại ô. Tôi nghĩ rằng ở các khu vực trung tâm mà chỉ có văn phòng, chỉ có cửa hàng, thì vào cuối tuần hoặc buổi tối khi những văn phòng cửa hàng này đóng cửa thực ra lại chẳng còn ai ở khu vực nội đô – đây cũng không phải là điều tốt.
Vấn đề ở đây là chúng ta trộn như thế nào, ví dụ như người ta sống ở các tầng phía trên các tòa nhà, còn phía dưới lại là các trung tâm thương mại, các cửa hàng thì người ta không cần phải đi xa từ nhà của họ đến các khu vực thương mại, dịch vụ như vậy. Các khu vực nhà ở không nên tách quá riêng, quá xa rời khỏi các khu vực như trường học, bệnh viện, cửa hàng, cửa hiệu. Vì người ta sẽ phải di chuyển rất nhiều từ khu vực họ ở để có thể tiếp cận các dịch vụ đó. Như vậy vấn đề là chúng ta trộn như thế nào các cơ sở hạ tầng này, đấy là một khái niệm mà chúng ta không nên quên.
Việc thứ hai mà tôi cũng muốn đề cập tới, bất kỳ một nhà quy hoạch nào ngày nay, trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam – có những tốc độ tăng trưởng kinh tế rất là ngoạn mục, thì đôi khi mọi người nói rằng chúng tôi muốn giống New York, muốn giống Hồng Kông, muốn giống Singapore.
Nhưng mà trên thực tế có rất nhiều người có những mức thu nhập khác nhau, có những người rất giàu có, và có những người rất nghèo. Vấn đề là làm sao để thành phố của chúng ta có tính bao trùm, có nghĩa là phục vụ được tất cả các nhóm dân này, chứ không phải chỉ phục vụ nhóm này mà không phục vụ nhóm khác. Chúng ta không muốn một thành phố như vậy.
Chúng ta không phải xây dựng một thành phố trông rất là hào nhoáng phục vự những người giàu, trong khi đó người nghèo vẫn chui rúc ở các khu ổ chuột rất là xa xôi và để vào được khu vực nội đô họ phải đi qua những hàng rào an ninh rất nghiêm ngặt. Một thành phố như vậy không tốt.
TS Sumila Gulyani, chuyên gia trưởng về chiến lược phát triển đô thị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại Góc nhìn thẳng (ảnh: Lê Anh Dũng) |
Một thành phố bao trùm phải là thành phố mà cả người giàu và người nghèo, người thu nhập thấp đều có thể sống được. Chúng ta không muốn một thành phố rất đẹp, rất hào nhoáng với nhiều tòa nhà cao tầng nhưng lại không có chỗ cho những người thu nhập thấp. Như vậy điều quan trọng là có 2 nguyên tắc, thứ nhất chức năng sử dụng cần mang tính chất trộn lẫn như vậy, và thứ hai người dân thuộc các tầng lớp khác nhau cũng cần sống trộn lẫn như vậy trong thành phố và thành phố phải đáp ứng được điều đó.
Nhà báo Phạm Huyền: Nói về chủ trương giảm áp lực hạ tầng, di dân. Gần đây trong hội nghị tổng kết của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã bắt đầu nhìn thấy những mối xung đột cần phải giải quyết, khi mà chúng ta di dời bênh viện trường học thì người dân sau đó vẫn phải di chuyển từ các khu vực nội đô tới đó làm việc, học tập. Đây cũng là một vấn đề mà lãnh đạo Bộ Xây dựng ở Việt Nam cũng nhìn thấy.
Tuy nhiên, xin chia sẻ với các vị khách mời thì câu chuyện từ ý tưởng, cho tới giải pháp và hành động, đôi khi lại có khoảng cách rất là xa.
Sau khi được nghe những chia sẻ rất tâm huyết của các vị khách quốc tế, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – ông có niềm tin như thế nào về khả năng thực thi những bài học, những kinh nghiệm đó ở Việt Nam? Ông nghĩ là với năng lực, trình độ và nhận thức của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay, ở chính quyền TP HCM và Hà Nội thì những điều đó liệu có biến thành hiện thực hay không? Ông có kiến nghị gì có thể giúp Hà Nội, TP HCM một ngày nào đó được như Singapore?
KTS Trần Huy Ánh: Nhìn sang các thành phố bạn bè, chúng ta cũng rất ước ao một ngày nào đó Hà Nội cũng được văn minh hiện đại như vậy. Nhưng ngay cả trên nơi chốn Hà Nội thì chúng ta cũng có niềm tự hào về chính thành phố của mình, nơi mình sinh ra và đóng góp, mình cũng phải kỳ vọng vào tương lai của nó. Mỗi một đất nước, một thành phố đều có những hướng đi riêng.
Tôi nghĩ là Hà Nội và TP HCM có những tín hiệu rất đáng mừng, khi mà những người đứng đầu thành phố, Chính phủ đã nhìn ra bệnh tật của nó và nhìn thẳng, thậm chí có những tiếng nói rất gay gắt trong việc phát hiện ra những bệnh tật của thành phố. Chúng ta đã nhìn thấy và chúng ta có thể thay đổi được.
Tôi nghĩ là trong tương lai, nhất là trong bối cảnh – như Tiến sỹ nói là đất nước phát triển nhanh, nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường cùng sự hội nhập rất lớn, những sản phẩm quy hoạch của một cái nhìn, cách đi hay cách tiếp cận theo kiểu mệnh lệnh có lẽ là đã lỗi thời.
Bây giờ nếu chỉ cần tất cả mọi người đi theo một quy luật đó là quy luật thị trường, cụ thể việc phát triển quy hoạch thành phố không chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhà đầu tư bất động sản, mà lợi ích được chia sẻ công bằng. Chúng ta sẽ giảm dần công cụ hành chính, chúng ta sẽ tiếp cận bằng các công cụ tài chính một cách sòng phẳng, minh bạch thì thành phố ta có lẽ có thể rút ngắn xuống dưới 25 năm và đạt đến một thang bậc nào đó trong phát triển thành phố hiện đại.
TS Liu Thai Ker: Tôi xin chia sẻ thêm một điều, hy vọng vào năm 2042 Hà Nội sẽ được hưởng thụ "một món cơm rang" rất là tuyệt vời.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi hy vọng là để tới năm 2042 thì rất mong các vị khách có thể tới Việt Nam nhiều hơn và giúp đỡ chúng tôi trong việc quy hoạch.
Thưa Quý vị và bạn đọc, gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những văn bản chỉ đạo nhắc nhở về việc phải bám sát, tuân thủ quy hoạch đô thị đối với TP Hà Nội. Lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục nhắc lại vấn đề này trong một hội nghị tổng kết. Tất cả những động thái như vậy đã cho thấy quyết tâm về mặt chính trị - một quyết tâm cao để chấn chỉnh vấn đề quy hoạch đô thị ở Việt Nam.
Chúng ta sẽ cùng hy vọng rằng với những chia sẻ đầy tâm huyết của các vị khách mời tại đây, thì Hà Nội, Hồ Chí Minh hay các đô thị khác ở VIệt Nam sẽ dần dần đạt được các tiêu chí không ngập lụt, không ô nhiễm và không ùn tắc.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời. Bàn tròn trực tuyến về quy hoạch đô thị Việt Nam khép lại tại đây. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.
Xem phần 1: Quy hoạch đô thị cho đáng sống, đừng chỉ nghĩ đến tiền
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Đức Yên, Huy Phúc, Bạt Tuấn, Thuý Hồng
email: gocnhinthang@vietnamnet.vn
Các tin khác cùng chuyên mục:
Giải mã mùa đông nóng kỷ lục trong 10 năm qua
Miền Bắc đang trải qua một mùa đông ấm nhất trong 10 năm qua. Dự báo dịp Tết Nguyên đán 2017, sẽ có cả lúc rét và ấm.
Bốn nguyên nhân khiến bệnh viện chưa tốt
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ với Góc nhìn thẳng về trách nhiệm của Bộ Y tế khi để căn bệnh quá tải vẫn trầm kha.
Chính vì Hà Nội lộn xộn nên phải làm xe buýt nhanh
Chừng nào còn chậm trễ làm giao thông công cộng, Hà Nội sẽ phải trả giá và trả giá rất nặng nề, giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông Hà Nội nói với Góc nhìn thẳng về xe buýt (xe bus) nhanh.