Sáng 2/8, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, biên giới lãnh thổ có ý nghĩa thiêng liêng, quan trọng với mỗi quốc gia, nhất là với Việt Nam.

Bùi Thanh Sơn
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Công tác biên giới lãnh thổ luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo sát sao. Ảnh: T.A

Sau giai đoạn thống nhất đất nước, đã có một số cuộc đàm phán biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được tổ chức nhưng chưa đạt kết quả. Khi bình thường hóa quan hệ, đầu những năm 1990 đàm phán được tiến hành kéo dài hơn 7 năm với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các thế hệ cán bộ.

Kết quả, Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán giải quyết biên giới trên đất liền và ký Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc ngày 30/12/1999. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, đây là một sự kiện rất quan trọng đối với nước ta cũng như quan hệ hai nước.

Năm 2000, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền để thực hiện công tác phân giới cắm mốc.

biên giới
Lực lượng Việt-Trung tuần tra chung bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: TTXVN

Kết thúc phân giới cắm mốc, hai bên đã phân giới trên thực địa toàn tuyến biên giới dài 1.449,566 km, cắm 1.971 cột mốc, bao gồm 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, 1.548 cột mốc chính và 442 cột mốc phụ. Hệ thống mốc giới này đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế, đảm bảo khách quan, khoa học, rõ ràng, ổn định và bền vững lâu dài.

Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, để đi đến kết quả này, hai nước phải trải qua hơn 8 năm bền bỉ nỗ lực phấn đấu, tiến hành 9 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ, rất nhiều cuộc gặp hai trưởng đoàn, 39 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc.

Việc hoàn thành phân giới cắm mốc ngày 31/12/2008 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc.

Đến nay, nhìn chung tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cơ bản ổn định, hệ thống đường biên, mốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo. 

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung chia sẻ cảm xúc khi nhớ về quãng thời gian làm công tác biên giới và đặc biệt khi gặp lại các thế hệ các cán bộ, lãnh đạo. Ông Lê Hoài Trung cho biết, nhìn tổng thể trong 15 năm qua quan hệ Việt-Trung ngày càng tốt đẹp. 

Lê Hoài Trung
Ông Lê Hoài Trung: Quan hệ Việt-Trung đang phát triển tốt đẹp, đây là điều kiện để củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Ảnh: T.A

Ông khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc đã hoạch định được đường biên giới khoa học, hoàn chỉnh, chính xác; đánh dấu bằng các mốc hiện đại, dễ nhận biết và được ghi nhận trong những điều ước quốc tế.

Kim ngạch thương mại song phương từ mức chỉ 30 triệu USD (năm 1991) đã lên 171,9 tỷ USD vào cuối năm 2023. Nhiều năm Việt Nam duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. "Một đường biên giới hòa bình, ổn định sẽ tạo điều kiện cho thương mại và kinh tế hai nước phát triển", ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Việc giữ vững ổn định biên giới có ý nghĩa to lớn trong duy trì môi trường chiến lược hòa bình, ổn định để đất nước dành nguồn lực xử lý các vấn đề cấp bách khác.

Vì vậy, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, cần xác định việc làm tốt công tác biên giới đất liền sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển đạt nhiều thành quả mới, đảm bảo môi trường đối ngoại thuận lợi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Nguyễn Thị Hường cũng khẳng định, đường biên giới hoà bình, ổn định đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác, phát triển tại khu vực biên giới, hoạt động trao đổi thương mại qua cửa khẩu biên giới phát triển mạnh mẽ.

Bà Hường cho biết, ngày 15/9/2023, tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây đã vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Việc triển khai Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân đạt tiến triển tích cực. Quan hệ giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa địa phương biên giới hai nước được duy trì với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực và linh hoạt, các cơ chế hợp tác được tổ chức định kỳ, đạt nhiều kết quả thực chất.