N.H.V (25 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến khám bác sĩ nam khoa trong tâm trạng lo lắng. Theo lời chia sẻ của V., mỗi lần gần gũi bạn gái, cậu không thể quan hệ bình thường.

Nhiều lần V. muốn đi khám nam khoa nhưng xấu hổ, lo có bệnh sẽ bị bạn gái chia tay. Gần đây, bạn thân động viên liên tục, anh mới đi khám nam khoa. 

Khi tiếp xúc với nam bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy V. có dấu hiệu thừa cân, béo phì. Hằng ngày, anh có thói quen uống nước ngọt trong bữa cơm, nếu thiếu sẽ không ngon miệng. Dù biết nước ngọt không tốt cho sức khỏe nhưng chàng trai này không bỏ được.

Bác sĩ đã khuyên V. khám tổng quát vì nghi ngờ cậu có các bệnh lý dẫn tới yếu sinh lý. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số đường huyết lên tới hơn 15 mmol/l, cao gấp 3-4 lần người bình thường. Không chỉ mắc đái tháo đường, nam thanh niên còn bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ dẫn tới rối loạn cương.

nuoc ngot co hai cho cq.png
Nước ngọt có đường gây béo phì, đái tháo đường dẫn tới rối loạn cương ở nam giới. Ảnh: Freepik.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Nam học - Ngoại tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội), thói quen sinh hoạt của nam giới có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới chuyện "chăn gối". 

Một số thuốc điều trị bệnh thông thường có thể có tác dụng không mong muốn, gây rối loạn cương dương, bao gồm thuốc điều trị tăng huyết áp, chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc điều trị loét, ung thư tuyến tiền liệt.

Thói quen ăn uống cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh hoạt tình dục. Uống nước ngọt nhiều còn ảnh hưởng chất lượng tinh trùng. Một nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng nếu thanh niên uống từ 220ml nước ngọt/ngày, số lượng tinh trùng giảm trung bình 28 triệu con và nội tiết tinh hoàn cũng giảm đáng kể.

Phó giáo sư, bác sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội), cho biết uống nước ngọt thường xuyên là thủ phạm gây thừa cân, béo phì. Việc mỗi ngày uống một lon nước ngọt trong vòng 1,5 năm sẽ làm tăng 60% nguy cơ thừa cân, béo phì. Uống nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống.

Khi vào cơ thể, nước ngọt được dung nạp nhanh chóng. Vị ngọt kích thích cảm giác thèm ăn, tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no, nhiều carbohydrate. Gan chuyển hóa đường thành chất béo khiến bạn tăng cân, béo phì. Một lon nước ngọt chứa 35g đường, trong khi đó nhu cầu của một người là 25g mỗi ngày. 

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g/ngày, giới hạn đồ uống có đường không quá 235ml/tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên sử dụng hợp lý các loại thực phẩm chứa đường để không ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên cho biết nam giới cần giữ những thói quen bảo vệ sức khỏe sinh lý như:

- Quan hệ tình dục có trách nhiệm: sử dụng bao cao su hoặc chung thủy với một bạn tình không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

- Nam giới cần có các hoạt động thể dục thể thao hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ tăng cholesterol, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 cũng như các nguy cơ khác liên quan tới rối loạn cương dương. 

- Bỏ thói quen hút thuốc lá ngay lập tức vì chất nicotin và các thành phần độc hại trong thuốc lá là tác nhân gây xơ hóa, lão hóa động mạch thể hang, khiến cho máu tới dương vật khó khăn gây rối loạn cương.