Trong 26 năm qua, Việt Nam đã tích cực cùng các nước triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành cuối năm 2015 có đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam, trong đó có sáng kiến, đề xuất như Chương trình Hành động Hà Nội 2010.
Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.
Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn thể hiện qua đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU |
Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn thể hiện qua đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của khối. Khi giữ chức Chủ tịch năm 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ. Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong kết nối không chỉ trong ASEAN mà giữa ASEAN với các nước, tạo dựng vị thế của ASEAN.
Qua hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015)”, “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN”... Việt Nam được đánh giá đã thể hiện tốt vai trò điều phối các cơ chế với đối tác bên ngoài bằng cách kết nối, mở rộng quan hệ, qua đó làm sâu sắc thêm liên kết giữa ASEAN với các đối tác này.
Vai trò và trách nhiệm của Việt Nam còn được thể hiện rõ qua các năm Chủ tịch ASEAN thành công, với những đóng góp và sáng kiến cụ thể.
Chỉ 3 năm sau khi gia nhập khối, trên cương vị Chủ tịch năm 1998, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên.
Trong lần thứ hai làm Chủ tịch ASEAM năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy những gì các nhà quan sát ngoại giao gọi là “văn hóa thực hiện”.
Việt Nam đã thúc đẩy việc hoàn thành các hoạt động thiết thực sau khi ASEAN thông qua các tuyên bố và kế hoạch hành động.
Về an ninh và hòa bình, Việt Nam có nhiều đóng góp cụ thể trong xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực, góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Đặc biệt, trong năm 2020 đánh dấu 25 năm làm thành viên và lần thứ ba đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nói riêng và khối nói chung khi đó phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức thành công một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó dịch, hai hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37, hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về đại dịch Covid-19…
Nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch đã được công bố và đưa vào triển khai trong năm 2020 như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN...
Nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch đã được công bố và đưa vào triển khai trong năm 2020...thể hiện cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ mang tính “cả Cộng đồng” ASEAN trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện.
Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN. Quan trọng hơn, thông qua hợp tác chống Covid-19 và phục hồi kinh tế, sự gắn kết trong ASEAN càng bền chặt.
Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua, thành công và vai trò ngày càng lớn của ASEAN cùng sự đồng hành của Việt Nam một lần nữa cho thấy sự đúng đắn trong quyết định gia nhập khối của Việt Nam.
Ngọc Trang