Đàn ông làm lương 10 triệu thì đừng nên yêu đương
"Em đã quyết định chia tay mối tình 5 năm vì anh ấy không chịu phấn đấu, không có chí tiến thủ. Quen nhau từ hồi học đại học, hai đứa từng cùng nhau đi làm phục vụ rồi hứa hẹn tương lai sẽ cùng nhau phấn đấu có một gia đình đầy đủ hạnh phúc.
Sau khi tốt nghiệp, em và anh ấy cùng đi làm văn phòng, trong khi em vẫn luôn vì tương lai, nhận thêm việc để hai đứa nhanh chóng phát triển hơn, thì anh ấy lại cứ giậm chân tại chỗ. Đi làm 1 thời gian rồi lại nói không phù hợp, chuyển việc. Rồi bây giờ 27 tuổi lương vẫn chỉ có 10 triệu.
Ban đầu em cũng nghĩ vạn sự khởi đầu nan, nhưng càng lâu càng thấy em không thể tiếp tục được nữa, nghĩ cái cảnh sống ở thành phố mà lương 10 triệu thì sao có thể chăm sóc được cho cả gia đình cơ chứ.
Công nhận anh ấy là một người rất tốt, hiền lành, tốt bụng. Nhưng đâu đủ để có một gia đình hạnh phúc. Em làm vậy có đúng không mọi người?", cô gái viết.
Khoan bàn chuyện quyết định của cô gái là đúng hay sai vì mỗi người một quan điểm, một mong muốn về kiểu mẫu bạn đời mình sẽ lựa chọn trong tương lai. Có thể kiểu mẫu cô gái này mong muốn là người đàn ông có chí tiến thủ, biết phấn đấu, biết đặt mục tiêu ngày càng cao hơn và hoàn thành các mục tiêu trong cuộc sống. Nếu tính theo tham chiếu đó thì người yêu của cô hẳn đã không "đạt yêu cầu", không phải người đàn ông có phẩm chất mà cô mong muốn.
Song nếu đặt vấn đề vào con số thu nhập 10 triệu/ 1 tháng, thì còn có nhiều điều phải bàn. Nhiều người trong số cư dân mạng cho rằng giữa thời buổi dịch bệnh thế này, có được công việc mang lại thu nhập như thế một tháng cũng không phải là quá tệ.
Nhiều người còn mất việc hoặc có thu nhập thấp hơn, nếu so sánh "27 tuổi lương chỉ có 10 triệu" như cô gái thì chắc hẳn tất cả họ đều không xứng đáng được yêu đương gì cả. "Đỡ hơn thằng không có lương mà còn phải nuôi nhé", "Chồng mình 30 tuổi nè mà còn chẳng có lương", "Lương 10 triệu vẫn có thể hạnh phúc, trường hợp này chẳng qua hai người chưa phải hai nửa trái tim thôi" là các bình luận của những người thông cảm cho bạn trai của cô gái.
Ảo vọng hạnh phúc trong kỳ vọng chọn chồng
Cũng có ý kiến cho rằng phụ nữ thường đòi hỏi quá nhiều ở người đàn ông của họ. Đàn ông không có tiền thì đàn bà suốt ngày nói chuyện tiền, đàn ông mà có tiền thì đàn bà lại nói chỉ cần anh sống tình nghĩa, quan tâm vợ con, tiền có gì mà quan trọng. Chồng lương thấp thì vợ chê không lo được cho gia đình.
Chồng lương cao, công việc ngập mặt vợ lại than chồng không dành thời gian chăm sóc cho vợ con, suốt ngày chỉ ôm công việc. Sống ở đời nhiều người không biết đủ, nên mãi chạy theo hạnh phúc mà không hiểu hạnh phúc nằm ở trong tâm. Bản thân mình luôn đòi hỏi ở bạn đời, thì có lương 10 triệu, 20 triệu, hay 100 triệu thì vẫn chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng với cuộc sống đang có cả.
Cũng có người cho rằng mức lương 10 triệu không phải thấp, nhưng cô gái quyết định chia tay vì cô đã "hơn" người yêu rồi. Phụ nữ thường không phục khi ở bên người đàn ông mà họ cho rằng kém cỏi hơn họ, và kết cục chia tay sẽ là điều hiển nhiên. Bởi có một thực tế là, phụ nữ ít khi cam tâm sống chung với người đàn ông kém họ lắm.
Nói họ "tỉnh" quá cũng được, mà thực dụng cũng đúng. Sự thực dụng này nếu biết dùng khôn ngoan thì phụ nữ ấm vào thân, nếu non tay chỉ so cao thấp với đàn ông dựa trên một chữ "tiền" thì nhiều người phải trả giá. Như một bộ phận các cô gái trẻ muốn kiếm chồng có xuất phát điểm cao luôn từ đầu, để không cần phải phấn đấu, không cần phải vất vả lo toan, thì cái họ cần đánh đổi có thể lại là sự coi thường của đối tác. Cái gì nhanh có thường không bền, cái gì là của người khác cho mình thì cũng tước ra khỏi tay mình được.
Cho nên với tình yêu đích thực, rốt cuộc vẫn là chẳng nên tính toán nhiều, miễn hai người thương yêu nhau và muốn cố gắng, phấn đấu vì nhau. Bản thân mình bằng lòng với cuộc sống đang có thì đó là hạnh phúc.
Theo Dân trí
Lương vài triệu nhưng không muốn vợ kiếm tiền
Cô chán nản khi hai vợ chồng không có cùng quan điểm sống. Vì thế, cô và anh càng ngày càng ít chia sẻ với nhau. Cô cảm nhận giữa hai vợ chồng luôn có bức tường vô hình ngăn cách.