Từ ngày 1 – 5/7/2024 - 90 đại diện thanh niên truyền cảm hứng đến từ 45 quốc gia đã tập trung tại Hội đồng Anh tại Luân đôn để thảo luận các chủ đề hướng tới tương lai – một thế giới phát triển bền vững.
Các lãnh đạo trẻ sẽ tham gia các hoạt động trong chương trình Mạng lưới Kết nối Thanh niên toàn cầu của Hội đồng Anh - 90 Youth Voices for the Future. Hành trình của họ sẽ bắt đầu tại Luân Đôn, trước khi chia thành các nhóm và đi đến khắp bốn miền của Vương quốc Anh. Đây là một phần trong chương trình hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Hội đồng Anh, tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh.
Trong số 90 lãnh đạo trẻ tham dự Chương trình, Việt Nam có ba đại diện, là những lãnh đạo trẻ đã tham gia chương trình Kết nối Thanh niên của Hội đồng Anh trong những năm gần đây.
Phan Kỳ Trung hiện là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON- Mekong) – Trường Đại học Cần Thơ. Là một cựu học giả Chevening khóa 2019/20, Trung đã và đang tham gia vào nhiều dự án gồm CoRe Việt Nam, Dòng sông của Sự sống, Năng lực chống chịu của thanh niên dưới tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (Y-CoRe) và dự án Kỹ năng về Khí hậu do Đại sứ quán Anh và Hội đồng Anh tài trợ từ năm 2020 đến nay.
Nguyễn Trần Mai Chi là một trong hai đại diện Việt Nam đầu tiên được chọn tham gia cùng các nhà báo, phóng viên sinh viên toàn cầu tại chương trình Future News Worldwide 2019 của Hội đồng Anh tại London. Năm 2021, với tư cách là nhà lãnh đạo trẻ trong chương trình Dòng sông sự sống của Hội đồng Anh, dự án Cái chết của dòng sông của Chi đã giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho giới trẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mai Chi cũng có cơ hội tham gia thảo luận bàn tròn cùng Chủ tịch COP26 Alok Sharma về vai trò của thanh niên với biến đổi khí hậu.
Trần Nguyễn Hoàng Long hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Cần Thơ. Là thủ lĩnh thanh niên trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Long đã đồng hành cùng Hội đồng Anh trong nhiều dự án như Dòng sông của sự sống và Thanh niên Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2020 đến nay. Định hướng trở thành một nhà nghiên cứu môi trường trong tương lai, Long đã có cơ hội triển khai hai dự án là ‘Salty’ và ‘Green View’ nhằm giúp nâng cao năng lực và nhận thức của giới trẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: “Thông qua chương trình Kết nối Thanh niên, Hội đồng Anh cam kết trang bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng cần thiết để hiểu, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu thực sự là thách thức mang tính toàn cầu, cho thấy chúng ta cần phải kết nối và gắn kết với nhau như thế nào và đòi hỏi tất cả chúng ta phải cùng nhau giải quyết hậu quả của nó ra sao. Hội đồng Anh đã và đang giúp tạo ra sự khác biệt qua việc tập hợp các nhóm lãnh đạo trẻ đa dạng trên toàn cầu, trong đó có ba nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc của Việt Nam, để chia sẻ, học hỏi và hợp tác hành động nhằm góp phần thực hiện tham vọng tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội bền vững của Việt Nam”.