Vi sai là bộ phận cơ khí được thiết kế khá đẹp mắt và có vai trò quan trọng để một chiếc xe hoạt động hiệu quả và giúp tài xế lái xe an toàn.

Về cơ bản, bộ vi sai khó hỏng nhưng chúng có thể gặp khó khăn về mặt cơ học trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt khi bị lạm dụng quá mức hoặc không được bảo dưỡng đúng cách.

Bộ vi sai gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn chuyến đi. (Ảnh: Carstreatment)

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về chức năng của bộ vi sai trên xe ô tô cũng như các dấu hiệu liên quan đến lỗi của bộ vi sai.

Vi sai có tác dụng gì?

Một bộ vi sai cho phép chuyển đổi mô men xoắn của động cơ thành sức kéo tại mỗi vị trí bánh xe. Với thiết kế độc đáo, một bộ vi sai cũng có thể phân chia mô men xoắn này giữa mỗi bánh xe theo các tỷ lệ khác nhau, cho phép các bánh xe quay ở các dải tốc độ khác nhau.

Theo thiết kế, một bộ vi sai cũng không định hướng, có nghĩa là nó có thể hoạt động hiệu quả trong các tình huống lái xe tiến hoặc lùi.

Các hệ thống truyền động phổ biến hiện này. (Ảnh: HowStuffWorks)

Với hệ dẫn động cầu trước (FWD), bộ vi sai nằm bên trong hộp số và bộ phận này được gọi là cụm hộp số. Với hệ dẫn động cầu sau (RWD), bộ vi sai nằm giữa trục bánh sau, được kết nối với hộp số bằng trục các-đăng.

Với xe có hệ thống dẫn động 4 bánh bán thời gian (4WD) hay tự động toàn thời gian (AWD), chiếc xe sẽ có thêm bộ vi sai trung tâm hoặc hộp số phụ để phân phối sức mạnh tới phía trước và phía sau.

Hộp số này được kết nối với từng bộ vi sai bằng các trục các-đăng tương ứng và điều chỉnh sự phân bổ công suất giữa 4 bánh.

Các triệu chứng cho thấy vi sai có vấn đề

Vi sai khi gặp vấn đề thường đi kèm một loạt các dấu hiệu. Nhận biết các dấu hiệu này không chỉ có giá trị cho bạn khi tiến hành sửa chữa mà còn có thể bảo vệ sự an toàn của chính bạn.

Sau đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất khi bộ vi sai của xe gặp vấn đề.

1. Tiếng ồn bất thường

Âm thanh va đập kim loại phát ra từ phía đuôi xe là dấu hiệu vi sai gặp vấn đề. (Ảnh minh họa)

Nếu bạn đột nhiên nhận thấy một loạt tiếng động lạ phát ra từ phía sau xe, điều bạn có thể nghĩa đến là kiểm tra bộ vi sai. Phổ biến nhất của những tiếng ồn này bao gồm tiếng mài và tiếng kêu của kim loại.

Thông thường đây là dấu hiệu cho thấy bánh răng của bộ vi sai đã gặp lỗi. Ngoài ra, khi nghe thấy tiếng vo ve hoặc âm thanh o o, dấu hiệu này cho thấy các vòng bi bên trong vi sai có vấn đề.

2. Xoay chuyển khó khăn

Tài xế khó đánh lái khi chuyển hướng. (Ảnh minh họa)

Khi chuyển hướng tại một ngã rẽ, bạn đột nhiên cảm thấy việc chuyển hướng khó và nặng nề thì đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy bộ vi sai của xe bạn đang ở trong tình trạng không còn hoạt động tốt. 

3. Lốp mòn nhanh và không đều

Lốp bị mòn không đều. (Ảnh minh họa)

Một bộ vi sai cầu sau gặp lỗi cũng có thể là nguyên nhân gây mòn lốp không đều hoặc lốp bị mòn nhanh. Sự mài mòn của lốp xuất phát từ thực tế là lốp xe có xu hướng bị trượt trên mặt đường, thay vì quay ở các tốc độ khác nhau khi bộ vi sai hoạt động ăn khớp với nhau. 

Nguyên nhân nào khiến bộ vi sai hoạt động sai lệch

Về cơ bản, bộ vi sai được thiết kế để gia tăng tuổi thọ của chiếc xe. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng như vậy. Trong hầu hết các trường hợp, hư hỏng của bộ vi sai thường liên quan đến việc thiếu hụt dầu bôi trơn hoặc sử dụng dầu bôi trơn vi sai không phù hợp.

Hầu hết các bộ vi sai đều có hệ thống bôi trơn ngâm dầu, làm sạch các bề mặt tiếp xúc trong chất bôi trơn khi chúng quay, từ đó làm giảm ma sát. Tuy nhiên, bất kỳ sự rò rỉ nào bên trong nắp bộ vi sai có thể khiến dầu bôi trơn giảm xuống dưới mức hoạt động nếu không được bổ sung trong quá trình bảo dưỡng.

Bộ vi sai bị lỗi, hỏng cũng có thể là kết quả của việc lạm dụng liên tục. Điều này thường xảy ra nhất ở xe bán tải hoặc xe SUV làm nhiệm vụ kéo tải trọng vượt quá tải trọng do nhà sản xuất quy định.

Việc cố gắng đưa xe khỏi hố rãnh hoặc vũng lầy cũng là nguyên nhân khiến bộ vi sai gặp vấn đề. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, nguyên nhân hư hỏng bánh răng có thể do thực hiện thao tác "giật" hoặc "kéo" lặp đi lặp lại khi cố gắng đưa xe ra khỏi hố rãnh, hoặc khi cố gắng di chuyển vượt các vật thể cố định có kích thước lớn.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, các bộ phận bên trong vi sai có thể bị mòn do sử dụng nhiều năm. Trường hợp này thường xảy ra khi một hoặc nhiều ổ trục, chẳng hạn như ổ vòng bi bánh răng, bắt đầu có biểu hiện sứt mẻ do bị làm việc quá mức.

Việc không thay thế các vòng bi này khi cần thiết có thể dẫn đến hỏng vòng bi và cuối cùng là dẫn đến hỏng hóc bộ vi sai.

Bạn có thể lái xe với một bộ vi sai đang gặp vấn đề?

Trên thực tế, lái xe với một bộ vi sai đang gặp vấn đề có thể gây ra khá nhiều rủi ro về mặt an toàn. Vì một bộ vi sai đang trong quá trình hỏng hóc, dễ bị hỏng hoàn toàn và bị khóa cứng bất cứ lúc nào. Điều này có thể gây nguy hiểm, đặc biệt khi di chuyển với tốc độ tương đối cao.

Không nên lái xe khi bộ vi sai gặp vấn đề. (Ảnh: Carstreatment)

Ngoài ra, bộ vi sai gặp lỗi khiến cho các bánh quay đồng tốc. Khi vào cua, xe sẽ khó kiểm soát và gần như không thể chuyển hướng, quay đầu an toàn ở bất kỳ tốc độ nào.

Trong mọi trường hợp, khi bộ vi sai của xe gặp trục trặc, bạn nên tiến hành kiểm tra và sau đó đặt lịch hẹn với trung tâm dịch vụ sửa chữa ô tô đáng tin cậy để tiến hành sửa chữa.

Chi phí thay thế và sửa chữa bộ vi sai

Theo anh Tâm - chủ gara ô tô Thành Tâm chia sẻ: "Trong một số trường hợp nhẹ, chỉ cần thay các bộ phận bên trong bộ vi sai và chi phí chỉ liên quan đến việc sửa một số bộ phận của bộ vi sai bị hỏng. Nhưng trong các trường hợp hư hỏng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đối với chính vỏ vi sai, có thể cần phải thay thế toàn bộ."

"Dù trong trường hợp nào, việc thay thế vi sai có xu hướng khá đắt đỏ, vì chi phí sửa chữa lắp ráp vi sai, cũng như nhân công phát sinh, khá cao. Chi phí thay thế vi sai chính xác phụ thuộc tùy theo từng loại vi sai, từng xe và từng hãng cụ thể. Giá sẽ dao động từ 1 triệu cho đến hàng chục triệu đồng nếu cụm vi sai mà hãng đó không bán lẻ, dời từng bộ phận", anh Tâm nói thêm.  

Gia Khánh

PHẢN ÁNH SỰ CỐ XE CỘ

Xe của bạn bị lỗi động cơ, lỗi cảm biến,...? Bạn đi mua xe bị ép "bia kèm lạc", xe "cắm" ngân hàng? Bạn vừa gặp tình huống lái xe nguy hiểm? Hãy gửi thông tin về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn, đề rõ họ và tên, số điện thoại kèm các hình ảnh, video (nếu có). Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!