Quảng Bình hiện có 588.387 ha rừng, trong đó có 469.421 ha rừng tự nhiên và 118.966 ha rừng trồng. Trước đây, trên địa bàn tỉnh tình trạng người dân vào rừng săn bẫy động vật hoang dã, chim di cư… phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng trái phép đất rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, gia tăng áp lực cho lực lượng quản lý và bảo vệ rừng.
Nhiều năm qua, Quảng Bình đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện nghiêm tuần tra, giám sát rừng để giảm áp lực lên công tác bảo vệ rừng.

bao ve rung.png
Quảng Bình đẩy mạnh tuyên truyền người dân không xâm hại rừng. Ảnh: Phương Thanh. 

Tỉnh Quảng Bình đã tích cực có các giải pháp thực hiện nghiêm các chính sách về đa dạng sinh học như Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành kế hoạch 106 về tuyên truyền việc thực hiện không khai thác, săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đặc biệt các cộng đồng dân cư sống quanh vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, các khu bảo tồn, rừng phòng hộ trên địa bàn không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, động vật hoang dã. 
Các địa phương đưa ra nhiều cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm. Hình thức tuyên truyền như trên phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tuyên truyền trực tiếp tại địa bàn thôn, bản, các biện pháp tuyên truyền trực quan.

Năm 2022, theo Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, đơn vị xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia Bảo vệ và phát triển rừng”, xây dựng phóng sự trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, các bản tin về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đồng bộ như gắn công tác tuyên truyền với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Từ đó, trong cộng đồng nhân dân đã có nhiều chuyển biến. Nhiều trường hợp người dân chủ động tố giác tội phạm đa dạng sinh học; phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật như săn bắt động vật, bẫy chim, người dân thông báo tới các lực lượng chức năng.

Kiểm lâm tỉnh cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ và quản lý rừng. Ví dụ như việc sử dụng ảnh vệ tinh Sentinet, Google Erth Pro, Vtools for Mapinfor kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp như Mapinfor, Qgis, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính bảng có cài đặt ứng dụng FRMS Mobile. Nhờ các ứng dụng này, lực lượng nhanh chóng phát hiện các điểm biến động về rừng và tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân biến động, để cập nhật vào phần mềm theo dõi diễn biến rừng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, từ đó an ninh rừng tại Quảng Bình được giữ vững trong nhiều năm.

Ngoài ra, đơn vị kiểm lâm cũng chủ động phối hợp các lượng chức năng trên địa bàn như Công an, Biên phòng, Quân sự, chủ rừng... xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân xâm hại rừng tại vùng rừng giáp ranh giữa hai tỉnh ngăn chặn tình trạng khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật.

Phương Thanh